7 dấu hiệu nhận biết Lừa Đảo Tiền Ảo, Lừa Đảo Đa Cấp Tiền Ảo
Chào các bạn,
Mấy bữa nay có 2 tin mình khá quan tâm vì nó hơi dính chút đến MMO:
- Ông trùm Sky Mining bị hàng trăm người tố lừa đảo tiền khủng 900 tỷ
- Một thanh niên ở TPHCM kiếm 41 tỷ từ Facebook, Google trong 2 năm
Nếu bạn quan tâm lĩnh vực tiền ảo, đầu tư tiền ảo thì có lẽ cái tên HTX Sky Mining và tổng giám đốc Sky Mining Lê Minh Tâm khá nổi tiếng.
Đến giờ này thì ông trùm đã cao chạy xa bay sang Mỹ đem theo các ví tiền ảo của rất nhiều nhà đầu tư trị giá lên tới 900 tỷ đồng.
Với quảng cáo lợi nhuận 300%, chỉ trong 3-4 tháng từ việc ủy thác đầu tư đào tiền số, nhiều người đã rót hàng trăm triệu đồng, cả tỉ đồng cho hệ thống đa cấp Sky Mining.
Tại sao lại có lừa đảo tiền ảo đa cấp ?
Tại sao nhiều người biết lừa đảo mà vẫn tham gia để rồi mất trắng ?
Hiện nay có rất nhiều dự án đầu tư tiền ảo hoạt động theo mô hình đa cấp.
Dù không phải bất cứ sàn đầu tư tiền ảo nào cũng xấu và lừa đảo nhưng trước khi bạn quyết định đầu tư thì nên cân nhắc và tìm hiểu thật kỹ, vì chẳng may bạn đầu tư vào dự án lừa đảo thì nguy cơ mất trắng tiền đầu tư là rất cao.
Trong bài viết này, mình hy vọng đưa ra cái nhìn đa chiều về lừa đảo tiền ảo, lừa đảo đa cấp tiền ảo cũng như những dấu hiệu bạn có thể nhận biết trước khi tham gia vào bất kỳ 1 hệ thống đầu tư tiền ảo nào.
//Bài viết có tham khảo kiến thức Internet.
Nội dung bài viết
- A. ĐẦU TƯ ĐA CẤP TIỀN ẢO LÀ GÌ ?
- B. CÁC VỤ LỪA ĐẢO ĐA CẤP TIỀN ẢO NỔI TIẾNG
- C. DẤU HIỆU NHẬN BIẾT SÀN ĐẦU TƯ ĐA CẤP TIỀN ẢO LỪA ĐẢO/ ĐỒNG COIN ĐA CẤP LỪA ĐẢO
- 1. Lợi tức cố định
- 2. Lãi suất cao, cam kết mang lại lợi nhuận cao với ít rủi ro, Lợi nhuận ổn định bất kể điều kiện thị trường biến động ra sao
- 3. Luôn hứa hẹn làm giàu nhanh chóng
- 4. Luôn đánh bóng tên tuổi, quảng bá sự kiện
- 5. Thông tin đồng tiền, dự án mập mờ
- 6. Khó giao dịch, rút tiền ra khỏi dự án
- 7. Luôn kêu gọi người đầu tư tìm thêm nhiều nhà đầu tư khác
- Lời kết
A. ĐẦU TƯ ĐA CẤP TIỀN ẢO LÀ GÌ ?
1. Kinh doanh đa cấp là gì ?
Kinh doanh đa cấp (MLM – Multi-level Marketing) hay bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng trực tiếp trong đó: việc lưu hành, bán và phân phối sản phẩm được thực hiện qua một mô hình nhiều tầng bao gồm những cá nhân hoạt động riêng biệt, họ có thể mua hàng trực tiếp tại công ty mà không phải thông qua các đại lý hay cửa hàng bán lẻ.
Doanh thu của công ty kinh doanh đa cấp có nguồn gốc từ lao động không phải trả lương bán các sản phẩm/dịch vụ của công ty, trong khi thu nhập của người tham gia bắt nguồn từ một hệ thống hoa hồng hình kim tự tháp.
Bản chất các cá nhân này không phải là nhân viên của công ty, họ chỉ là đối tác phân phối hàng hóa cho công ty.
Nhiệm vụ của họ là giới thiệu, bán hàng sản phẩm tới người tiêu dùng và nhờ đó họ sẽ có lợi nhuận từ hoa hồng bán sản phẩm.
Ngoài ra, họ có nhiệm vụ giúp đỡ những người khác cùng tham gia doanh nghiệp MLM, dạy họ cách xây dựng mạng lưới phân phối viên của riêng mình, mạng lưới đó thường được gọi là downline (tuyến dưới).
Ngoài thu nhập từ hoa hồng bán sản phẩm, họ còn nhận được hoa hồng từ mạng lưới tuyến dưới, tiền thưởng nếu đạt doanh số…
2. Mô hình Ponzi – lừa đảo đa cấp tiền ảo là gì ?
Mô hình Ponzi được đặt theo tên Charles Ponzi hay Carlo Ponzi – doanh nhân người Mỹ gốc Ý, người đã nổi tiếng với việc áp dụng mô hình này trong những năm 1920.
Mô hình Ponzi là trò vay tiền của người này để trả nợ người khác.
Bằng cách đưa ra cam kết trả lãi cao cho người cho vay và quảng cáo với họ về những tấm gương đã nhận được lợi tức cao trước đây, kẻ đi vay sẽ dùng tiền của người mới trả cho người cũ, và thực chất không hề có hoạt động kinh doanh, đầu tư nào diễn ra.
Người cho vay bị hấp dẫn bởi lợi tức cao và có thể sẽ giới thiệu những người cho vay mới hơn.
Bằng hình thức này, kẻ đi vay càng ngày càng vay được những khoản tiền lớn hơn từ nhiều người cho vay mới hơn.
Để một mô hình Ponzi thành công, hệ thống phải thu hút liên tục các nhà đầu tư mới, nếu không dòng tiền sẽ bị gián đoạn và tay lừa đảo mất khả năng chi trả.
Nhưng không sớm thì muộn, 100% trò lừa đa cấp sẽ sụp đổ vì cách mô hình này vận hành không thể kéo dài mãi mãi.
3. Tiền ảo đa cấp là gì ?
Tiền ảo đa cấp là tiền ảo, tiền điện tử được tạo ra dựa trên công nghệ Blockchain và mô hình phát triển của nó áp dụng mô hình đa cấp.
Thông thường, tiền ảo đa cấp sử dụng cơ chế lending, tức là khi bạn sở hữu đồng tiền ảo này chính là bạn cho nhà sản xuất ra đồng tiền ảo này vay mượn lại chính số tiền ảo đó.
Đổi lại, bạn sẽ nhận được 1 khoản lợi nhuận hàng tháng do nhà sản xuất chi trả.
Bên cạnh việc nhận lợi nhuận hàng tháng từ việc cho nhà cung cấp vay, bạn còn có thể xây dựng hệ thống đa cấp, hệ thống đa kênh (MLM) bằng việc giới thiệu người khác tham gia hệ thống và hưởng hoa hồng từ các nhánh F1,F2, F3 của mình.
Lừa đảo tiền ảo bằng hình thức đa cấp chính là việc lừa đảo thông qua hệ thống tiền ảo dưới vỏ bọc phát hành tiền thuật toán (ICO) theo mô hình đa cấp Ponzi thay vì Lending.
Hoặc lừa đảo đầu tư tiền ảo đa cấp có thể núp dưới vỏ bọc các dự án kinh doanh, đầu tư tiềm năng hướng tới một thị trường màu mỡ đang bán ra cổ phần dưới dạng tiền thuật toán để huy động vốn.
Tuy nhiên tất cả chỉ là cái cớ để nhóm phát triển thu tiền đầu tư và thực hiện hành vi lừa đảo toàn bộ số tiền đầu tư.
Số lượng các vụ lừa đảo tiền ảo đa cấp ngày càng tăng do mô hình lừa đảo này khá dễ dàng, đánh trực tiếp vào tâm lý của người hám lợi nhưng thiếu kiến thức về đầu tư tài chính và giao dịch tiền tệ.
Điểm hay của trò lừa đa cấp bằng tiền ảo chính là tính năng ẩn danh. Nó tạo điều kiện cho các tay tội phạm che giấu danh tính, khi mọi thứ đổ vỡ thì chính quyền cũng khó mà lần ra đầu dây mối nhợ.
Khác biệt lớn nhất giữa Lending và Ponzi nằm ở chỗ, trong hình tháp Ponzi ko có một sản phẩm nào tồn tại, 100% tiền có được của người vào trước đều tới từ việc hút máu người vào sau, khi chân của cái tháp phình ra hết cỡ tới mức ko có ai trở thành “tuyến dưới” nữa, hệ thống sẽ sụp đổ và những người vào sau sẽ chịu hậu quả nặng nề nhất.
Lending platform hay đầu tư ủy thác, là bạn sẽ dùng đồng tiền do nhà cung cấp tạo ra cho một quỹ đầu tư vay, sau đó họ sẽ dùng số tiền này thực hiện các hoạt động kinh doanh và cam kết trả lợi nhuận cho bạn theo ngày, tuần hoặc tháng.
Lãi/lợi nhuận bạn nhận được có thể lấy từ vốn gốc của bạn và lấy từ lợi nhuận tăng trưởng của đồng coin mà đúng ra bạn được hưởng.
Tuy nhiên, phần lớn mọi người khi nói đến mô hình Crypto Lending, sẽ nghĩ ngay đến Ponzi do các mô hình này thường dùng phương thức MLM/Affiliate để kích cầu.
Nếu hiểu đúng bản chất, cách vận hành 2 mô hình này là không giống nhau:
- Ponzi: lấy tiền người sau trả cho người trước.
- Lending: lấy tiền lời của Nhà đầu tư, cắt một phần trả lại cho nhà đầu tư.
B. CÁC VỤ LỪA ĐẢO ĐA CẤP TIỀN ẢO NỔI TIẾNG
Dưới đây là các vụ lừa đảo đa cấp tiền ảo đã gây chấn động tại Việt Nam và thế giới:
- Lừa đảo Tiền ảo AOC
Đồng tiền ảo có tên Alos Coin (AOC) nằm trong đường dây lừa đảo tiền ảo cuối năm 2017.
Với mức lợi nhuận mời chào khi đầu tư vào tiền ảo AOC lên tới 180% mỗi năm, gấp 20 lần gửi ngân hàng, không ít người đã bị mờ mắt bởi con số sinh lời không tưởng.
Dù không biết đồng tiền này hình thù ra sao, sử dụng làm gì, nhiều người dân vẫn bỏ ra hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng vào AOC. Tuy nhiên, khi những người đứng đầu hệ thống này biến mất, chân tướng sự việc mới lộ rõ.
Sau khi bị điều tra, đường dây lừa đảo tiền ảo này đã lộ diện với chân rết tại 10 tỉnh thành, hơn 1.400 người tham gia cùng số tiền hàng chục tỷ đồng.
- Lừa đảo Tiền ảo iFan
Đầu tháng 4/2018, hàng chục nhà đầu tư đã kéo đến trụ sở Công ty cổ phần Modern Tech giăng băng rôn tố cáo công ty này đã chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng bằng hình thức kêu gọi rót vốn mua đồng tiền ảo Ifan, Pincoin (được trả lãi).
iFan tự xưng là “ứng dụng công nghệ blockchain 4.0“, giúp quản lý thu nhập các nghệ sĩ trong showbiz Việt Nam và có sự cộng tác với nhiều nghệ sĩ Việt nổi tiếng.
Theo những nhà đầu tư tham gia, Modern Tech cam kết với nhà đầu tư khoản lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng tại các sự kiện tổ chức hoành tráng năm 2017.
Nếu mời được thành viên mới vào hệ thống còn được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia.
Mặc dù không hiểu biết về iFan và Pincoin nhưng trước mức lãi suất khủng mà các đối tượng đưa ra, các nhà đầu tư đã bỏ tiền thật ra mua các đồng tiền ảo đang thịnh hành hiện nay như Bitcoin, Ethereum…
Sau đó họ dùng các loại tiền ảo này mua lại tiền ảo iFan bằng tài khoản được cấp riêng trên hệ thống của iFan. Từ đó, nhà đầu tư có thể giao dịch trao đổi mua bán với nhau trên sàn nội bộ.
Chỉ trong một thời gian ngắn, lượng tiền mặt mà các nhà đầu tư đổ vào để mua tiền ảo và đến nay có nguy cơ mất trắng là 15.000 tỷ đồng.
Bản chất iFan chỉ là một đồng tiền ảo vô nghĩa vận hành theo mô hình đa cấp biến tướng, lấy tiền của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước.
- Hợp tác xã đào tiền ảo Sky Mining
Sky Mining là trường hợp tiếp theo trong danh sách những vụ lừa đảo tiền ảo được phát giác.
Ngày 23/7, nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào Công ty Sky Mining (còn gọi là Hợp tác xã Bầu Trời Công Nghệ) đã lên tiếng tố cáo khi không thể liên lạc được với TGĐ Lê Minh Tâm.
Trên website công ty, Sky Mining nhận là tổ chức chuyên về đầu tư mua máy tính khai thác phần mềm giải mã thuật toán.
Sky Mining yêu cầu nhà đầu tư chọn đóng các gói từ 100 USD đến 5.000 USD để mua máy đào, không giới hạn số lượng gói có thể mua.
Sau 12 tháng, hợp tác xã sẽ trả lại vốn và lãi đến 300% mức đầu tư. Đóng tiền xong, công ty sẽ xuất máy cho nhà đầu tư và họ ký gửi lại để tiến hành đào tiền ảo. Sau 15-18 tháng, khi hoàn thành chu kỳ lợi nhuận 300%, nhà đầu tư sẽ trả máy lại cho công ty.
Khi TGĐ Lê Minh Tâm biến mất, nhiều người tuyên bố bị Sky Mining bị lừa đảo vì đã dành từ 5-10 tỷ đồng để lấy lãi 0,6% mỗi ngày, nhưng nay còn chưa kịp thu hồi vốn.
- OneCoin
Chính thức được dán nhãn là một “kế hoạch Ponzi” ở Ấn Độ vào tháng 7/2017, hai tháng sau đó, nhà chức trách Ý đã phạt tổ chức này số tiền lên tới 2.5 triệu euro.
Vào năm 2016, các nhà chức trách Trung Quốc điều tra hoạt động OneCoin ở nước này đã thu giữ từ công ty hơn 30 triệu đô la.
Công ty này cũng tuyên bố chính thức được cấp phép tại Việt Nam năm ngoái, nhưng sau đó lại bị chính phủ bác bỏ.
Hơn 5 quốc gia đã cảnh báo các nhà đầu tư về những rủi ro liên quan đến những người lựa chọn đầu tư vào công ty, bao gồm Thái Lan, Croatia, Bulgaria, Phần Lan và Na Uy.
Tại Việt Nam, đồng OneCoin đã tạo cơn sốt từ khoảng giữa quý 2/ 2017, thu hút hàng ngàn nhà đầu tư cũng mức thiệt hại chưa thể thống kê.
- Bitconnect
Nổi tiếng nhất trong số các đồng tiền ảo vận hành dưới dạng mô hình Ponzi chính là Bitconnect.
Bitconnect ngừng hoạt động vào tháng 1/2018.
BitConnect – mô hình tài chính ứng dụng công nghệ hoạt động như một sàn cho vay tiền ảo sinh lãi, được cung cấp bởi một công ty có tên Bitconnect LTD và sở hữu đồng tiền riêng (BCC), xếp thứ 25 trên bảng xếp hạng và có giá trị vốn hóa hơn 2 tỷ USD.
Theo ước tính, có khoảng 50.000 thành viên của cộng đồng BBC Việt Nam trắng tay với tổng tiền đầu tư hàng nghìn tỉ.
Cách thức hoạt động của Bitconnect là lôi kéo nhà đầu tư mới bằng mức lãi suất béo bở lên tới 40% một tháng, cam kết lợi nhuận tối thiểu 1%/ngày rồi dùng tiền của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước.
C. DẤU HIỆU NHẬN BIẾT SÀN ĐẦU TƯ ĐA CẤP TIỀN ẢO LỪA ĐẢO/ ĐỒNG COIN ĐA CẤP LỪA ĐẢO
Theo các chuyên gia, những người kinh doanh tiền ảo có thể để ý 7 dấu hiệu giúp dễ nhận ra lừa đảo đa cấp:
1. Lợi tức cố định
Không có chuyện lúc nào cũng có lợi tức dù là một doanh nhân xuất sắc cỡ nào đi nữa.
Dự đoán thị trường đúng 100% là chuyện không thề tồn tại do đó không phải lúc nào cũng có lợi tức đều đặn.
Do đó, hứa hẹn một khoản lợi tức cố định là dấu hiện lừa đảo số 1.
2. Lãi suất cao, cam kết mang lại lợi nhuận cao với ít rủi ro, Lợi nhuận ổn định bất kể điều kiện thị trường biến động ra sao
Bất cứ một dự án nào được quảng cáo là lãi lớn, chắc ăn với lãi cao hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng hiện hành đều có dấu hiệu lừa đảo.
Giống như mô hình kinh doanh áp dụng hình thức tiếp thị đa cấp, người ta luôn hứa hẹn sẽ chi các khoản hoa hồng “khủng” khi giới thiệu sản phẩm thành công.
Họ tìm đủ mọi cách để kiếm được càng nhiều người mua đồng coin càng tốt.
Trừ phi bạn nắm chắc căn cứ tại sao lại có khoản lãi cao như vậy, còn không thì không có bất cứ điều gì có thể đảm bảo dự án đầu tư sẽ thành công.
Ngay cả những dự án thành công nhất hiện nay như Bitcoin, Dash, hay Ethereum cũng đều có chứa đựng những rủi ro và không có gì đảm bảo là không có vấn đề trong tương lai.
Nếu có loại coin nào được quảng bá là lãi lớn, lại chắc ăn nữa thì nên cực kỳ cẩn thận tìm hiểu.
3. Luôn hứa hẹn làm giàu nhanh chóng
Đây chính là cạm bẫy mà các nhóm lừa đảo sẽ dụ dỗ nhà đầu tư.
Bằng cách sử dụng các kênh quảng cáo liên tiếp tới các nhà đầu tư nhẹ dạ, thiếu kiến thức những khái niệm như lãi từ 1-5% mỗi ngày, cam kết lãi trên 40%/tháng, nhà đầu tư đang tham gia vào “một cuộc cách mạng góp phần thúc đẩy ngành” nào đó, các khoản hoa hồng hứa hẹn…
Tuy nhiên tất cả chỉ là bánh vẽ.
Dù vậy, với những “gói đầu tư” sinh lợi hấp dẫn, nhiều người đã lao đầu vào các dự án trá hình này, rất nhiều số đó là: sinh viên, nhân viên văn phòng, người dân ở vùng quê…
4. Luôn đánh bóng tên tuổi, quảng bá sự kiện
Để có thể mời gọi, lôi kéo nhà đầu tư tham gia, nhóm lừa đảo thường xuyên tổ chức các hội thảo, sự kiện, diễn thuyết, trao thưởng…
Tại các sự kiện này, nhóm lừa đảo sẽ tổ chức tiệc, mời những nhân vật ăn vận lịch sự, giàu có mà thường là những tay đa cấp kỳ cựu khiến người dân dễ tin tưởng. Những kẻ này sẽ khoe sở hữu công ty tập đoàn, sở hữu bất động sản, cổ phiếu chứng khoán,…
Có thể kể đến 1 số trùm lừa đảo đa cấp: Lê Ngọc Tuấn, Vũ Hữu Lợi…
Hầu hết các nạn nhân sập bẫy khi tham gia vào hệ thống tiền ảo đa cấp cho biết, họ tin vào những lời diễn thuyết…có cánh của những nhà sáng lập hệ thống.
5. Thông tin đồng tiền, dự án mập mờ
Để không bị pháp luật sờ gáy, người tổ chức thường không công khai thông tin cá nhân, hoặc sử dụng thông tin giả.
Đây là một dấu hiệu dễ nhận biết. Nếu không có ý định lừa dối, sao lại phải cung cấp thông tin giả hoặc che dấu thông tin cá nhân?
Thường các đầu tư lừa đảo sẽ không được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền có uy tín, bạn sẽ khó có thể xem các giấy tờ chính thức cho các khoản đầu tư của họ.
Người đầu tư hoàn toàn không biết tiền huy động dùng cho mục đích gì, việc kinh doanh như thế nào. Các nhóm đầu tư này thường lấy cớ không thể chia sẻ với nhà đầu tư vì sợ lọt đến tai đối thủ cạnh tranh để giữ kín phương pháp và kế hoạch kinh doanh.
Thường các công ty lừa đảo này sẽ đưa ra một website đơn giản, không đề cập tới sản phẩm cốt lõi, chỉ có các cấp bậc thành viên, số tiền đầu tư và đặc biệt là các khoản lãi hàng trăm, hàng nghìn phần trăm.
Các thành viên càng dụ được nhiều người tham gia thì tiền lãi thu về càng lớn.
Bên cạnh đó, nhóm lừa đảo thường phải che dấu thông tin đăng ký website, không để lộ thông tin người đăng ký website, người đăng ký tên công ty, mở công ty ở những nơi không cần thông tin cá nhân cụ thể.
Một số coin đa cấp thường sử dụng những dịch vụ giấu thông tin khi đăng ký website.
1 dấu hiệu nữa, bạn hãy cẩn thận với các nhóm đầu tư không chịu chia sẻ phương pháp kinh doanh, kết quả làm ăn có thể kiểm chứng hoặc tự nhận chiến thuật của họ là “bí truyền”.
Thông thường, chủ mưu các mô hình Ponzi sẽ nói phương pháp của họ hết sức tinh vi và sinh lợi đến mức không thể chia sẻ với nhà đầu tư vì sợ lọt đến tai đối thủ cạnh tranh hoặc chiến lược đầu tư của tổ chức đều được gọi là bí mật hoặc được mô tả rất rắc rối
Nhà đầu tư nào hay tỏ thái độ tự ái trước các câu hỏi đơn giản về phương pháp làm ăn, khẳng định danh tiếng của bản thân “nói lên tất cả”, thường là những người có âm mưu lừa đảo và không thể tin tưởng.
6. Khó giao dịch, rút tiền ra khỏi dự án
Với những dự án đầu tư mà bạn thấy khó có thể rút vốn, lãi ra khỏi dự án, 100% là dự án lừa đảo.
Bất cứ khi nào khoản vốn, khoản lãi không thể giao dịch một thời gian: Vốn góp của người đầu tư không được trao đổi, mua bán, hay giao dịch một cách tự do mà bị khoá lại một thời gian, hoặc chỉ có thể giao dịch ở trên một số sàn giao dịch mà ở đó người ta giới hạn hoặc khó có thể giao dịch được tự do => lừa đảo.
Làm thế nào để họ lấy được thêm tiền mà không bị phát hiện?
Bằng cách khoá số tiền của người đầu tư càng lâu càng tốt, để tiền từ người bậc dưới được giữ lại càng lâu càng tốt và trả dần cho những người bậc trên.
Đến khi bậc đủ cao và đế đủ rộng và người tổ chức gom được số tiền đủ lớn và bỏ trốn. Ngay cả trường hợp người tổ chức bỏ trốn thì những bậc trung gian có thể vẫn chưa biết hoặc cố tình không biết để gom tiền trừ cho khoản đầu tư của mình.
Cách khoá vốn thường dưới dạng các gói đầu tư mà chưa phát hành coin.
Đó cũng có thể là phát hành coin ngay nhưng chưa tổ chức để có thể mua bán, trao đổi tự do mà có thể khoá vốn lại để chưa thể gửi bán được trong một thời gian.
Bằng cách khoá vốn này, mô hình kim tự tháp có đủ thời gian để phát triển nhiều cấp và gom được số tiền đủ nhiều để cho dù có phải chi trả cho một số ít người ở bậc cao với lãi suất rất lớn để cho thật hấp dẫn thì họ vẫn còn dư tiền.
7. Luôn kêu gọi người đầu tư tìm thêm nhiều nhà đầu tư khác
Nếu lợi nhuận là “siêu khủng” như vậy, tại sao công ty luôn cần nhiều vốn như vậy?
Tại sao lại luôn cần nhiều nhà đầu tư hơn?
Đó là vấn đề mà nếu tỉnh táo, các nhà đầu tư sẽ thấy vô lý và gợi mở khả năng “chiêu dụ” người đầu tư khác để có tiền trả cho mình.
Dù đã có nhiều cảnh báo về mô hình đầu tư tiền ảo, thế nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược.
Số người sập bẫy ngày càng tăng, thiệt hại ngày càng lớn. Đã đến lúc, chúng ta cần nêu cao cảnh giác trước những hoạt động đầu tư này.
Lời kết
Trên đây là bài viết “Các dấu hiệu nhận biết lừa đảo tiền ảo, lừa đảo đa cấp đầu tư tiền ảo” hi vọng sẽ mang lại những thông tin hữu ích cho bạn đọc.
Nguyên nhân do đâu mà sàn lừa đảo đa cấp tiền ảo hoạt động được ?
- Nhà đầu tư không am hiểu nhiều về thị trường tài chính, kiến thức kinh tế hạn chế.
- Nhà đầu tư thiếu kiến thức về tiền ảo, công nghệ Blockchain.
- Nhà đầu tư mờ mắt về cơ hội làm giàu nhanh chóng, lợi nhuận cao gấp hàng chục lần so với lãi suất tiền gửi ngân hàng, cộng với hoa hồng khi giới thiệu thêm người chơi, lòng tham đã khiến họ mờ mắt.
- Nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, “mù tịt” về công nghệ thông tin.
Thị trường tiền điện tử tại Việt Nam cũng như trên thế giới đang rất phát triển và là cơ hội kiếm tiền rất tiềm năng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể kiếm tiền được từ thị trường này.
Bạn cần phải có kiến thức, khả năng đánh giá, nhìn nhận và kỹ năng phân tích,..để nhận biết được dự án nào nên tham gia, dự án không nên tham gia, thời điểm tham gia cũng thời điểm rút vốn,..
Nếu bạn đang tìm hiểu về các dự án tiền ảo đầu tư theo mô hình đa cấp thì nên tìm hiểu và cân nhắc thật kỹ trước khi tham gia.
Chúc bạn thành công!
liên quan khác
- Tiền điện tử Bitcoin là gì? Có nên đầu tư Bitcoin 2021 không?
- Trình duyệt Brave là gì? Hướng dẫn kiếm tiền với Brave chi tiết (2020)
- Sàn Binance bị hack 7.000 Bitcoin trị giá hơn 40 triệu USD
- Cách kiếm tiền Fomo2Moon: game xổ số BlockChain kiếm ETH hấp dẫn 2019
- Giải câu đố nhận 310 Bitcoin (BTC) – thử thách gây sốt trên Reddit
- Sàn giao dịch Binance đóng cửa để bảo trì và nâng cấp hệ thống 8/2/2018
- Đã có người chiến thắng câu đố Bitcoin trị giá 50,000 USD
- Giá Bitcoin giảm mạnh, lần thứ hai rơi xuống đáy 9.000 USD trong năm 2018
- Dogecoin là gì ? Các trang kiếm Dogecoin miễn phí tốt nhất 2018
- Nhanh tay giải câu đố nhận 4.87 Bitcoin, tương đương gần 800 triệu đồng
- ChronoBank là gì ? Đồng tiền ảo ChronoBank TIME là gì ?