Vận dụng phù hợp kinh nghiệm, khuyến nghị từ Diễn đàn Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021

26/10/2021
Bộ NN-PTNT và các địa phương vừa được giao nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế, khuyến nghị nêu tại Diễn đàn quốc tế Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021, để xem xét vận dụng phù hợp trong quá trình chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp.

Nội dung trên là một phần trong ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh về Diễn đàn quốc tế Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021, vừa được Văn phòng Chính phủ thông báo ngày 25/10.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số nông nghiệp

Xem xét kiến nghị của Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cũng yêu cầu Bộ này tiếp tục hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số nông nghiệp để tranh thủ kinh nghiệm, tiếp cận công nghệ, tri thức về lĩnh vực nông nghiệp.

Bộ Ngoại giao còn được giao tiếp tục phát huy vai trò, phối hợp, hỗ trợ Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số và các bộ, ngành chức năng có liên quan tổ chức các diễn đàn tương tự trong các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, góp phần triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 6/2020, có 8 ngành, lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số gồm: Y tế, Giáo dục, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp, Giao thông vận tải và logistics, Năng lượng, Tài nguyên và Môi trường, Sản xuất công nghiệp. Đây là những lĩnh vực được đánh giá có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả và giúp tiết kiệm chi phí.

Vận dụng phù hợp kinh nghiệm, khuyến nghị từ Diễn đàn Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021
Diễn đàn Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021 được tổ chức trực tuyến (Ảnh: TTXVN)

Diễn đàn chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021 được Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức ngày 16/9, cùng với Triển lãm quốc tế Nông nghiệp Việt Nam – AgriTech Expo 2021, áp dụng công nghệ trực tuyến thực tế ảo. Theo thống kê, đã có gần 1.500 đại biểu tham dự Diễn đàn và hơn 300.000 lượt tham quan Triển lãm.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 14/10, Bộ Ngoại giao nhận định, Diễn đàn quốc tế Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021 đã góp phần tạo nhận thức chung cần đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch và chuẩn bị cho giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 để ngành nông nghiệp thực sự phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực trong nước và tiếp tục vươn ra thế giới. Các ý kiến chuyên môn sâu sắc, những kinh nghiệm bổ ích cùng những khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra cần được nghiên cứu, vận dụng.

Hình thành hệ sinh thái nông nghiệp đa dạng

Cũng trong nội dung báo cáo về Diễn đàn, Bộ Ngoại giao còn điểm ra một số đánh giá, khuyến nghị đã nhiều diễn giả, chuyên gia, doanh nghiệp nêu ra, cụ thể như: Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp thời kỳ mới, gắn sản xuất với mở rộng thị trường, mở rộng nguồn khách hàng và mạng lưới đối tác, mở rộng cơ hội mới cho các doanh nghiệp nông nghiệp, thúc đẩy thử nghiệm các mô hình sản xuất kinh doanh mới, tạo ra hệ sinh thái công nghệ nông nghiệp đa dạng.

Vận dụng phù hợp kinh nghiệm, khuyến nghị từ Diễn đàn Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021
Theo các chuyên gia, Nông nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số (Ảnh minh họa)

Trước những thách thức to lớn như biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến đổi xu thế tiêu dùng theo hướng đòi hỏi ngày càng cao, diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Nông nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra bước ngoặt, chuyển từ giai đoạn sản xuất nông nghiệp sang thời kỳ phát triển kinh tế nông nghiệp dựa trên khoa học-công nghệ.

Trong bối cảnh giá cả nông sản, lương thực thế giới biến động mạnh, nguồn cung thiếu bền vững và xu thế tiêu dùng thay đổi, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện mạng lưới thương mại điện tử hướng ra toàn cầu, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đẩy mạnh đào tạo và đào tạo lại các kỹ năng số, hình thành mạng lưới, khởi tạo diễn đàn, thúc đẩy cam kết sản xuất, thu hút đầu tư công nghệ cao và thân thiện môi trường, đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế.

Các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần tăng cường hỗ trợ sinh viên ngành nông nghiệp tới các nước công nghệ phát triển để thực tập, học hỏi kiến thức về phát triển nông nghiệp kỹ thuật số; đầu tư cho các dự án thu thập dữ liệu môi trường, phân tích, xử lý thông tin để tìm giải pháp nâng cao chất lượng và thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp; Các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp trong hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp cận xu hướng lớn của thế giới, nắm bắt thời cơ phát triển trên mọi lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp và chuyển đổi số nông nghiệp...

Các diễn giả, chuyên gia tham dự Diễn đàn cũng thống nhất rằng: Phát huy những lợi thế về nông nghiệp, sự phát triển tích cực của ngành CNTT, bắt kịp các xu thế của thế giới, tận dụng các kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam có tiềm năng vươn lên trở thành “kho nông sản” chất lượng cao của thế giới.

Vân Anh

254.000 hộ sản xuất nông nghiệp mở gian hàng số trên Postmart trong đợt dịch thứ tư

254.000 hộ sản xuất nông nghiệp mở gian hàng số trên Postmart trong đợt dịch thứ tư

Theo thống kê, chỉ trong làn sóng Covid -19 lần thứ tư, đã có khoảng 254.000 nhà cung cấp là các hộ sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ mở gian hàng số trên sàn thương mại điện tử Postmart, qua đó tiêu thu được gần 1.000 tấn nông sản.