Phát triển PC-Covid từ Bluezone để duy trì trải nghiệm liền mạch cho người dân

03/10/2021
Không những là ứng dụng hỗ trợ chống dịch phổ biến nhất, với hơn 22 triệu người dùng tính đến giữa tháng 9, Bluezone còn được nhiều địa phương sử dụng hiệu quả. Vì thế, Bluezone được chọn để cập nhật, phát triển thành PC-Covid.

Duy trì trải nghiệm liền mạch cho nhiều người dân

Từ 1/10, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, các lực lượng chức năng phòng, chống dịch và chốt kiểm soát trên địa bàn tỉnh đã công nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 của người dân trên ứng dụng Bluezone (nay được nâng cấp, phát triển thành ứng dụng PC-Covid) khi thực hiện quét mã QR.

Trong đợt thứ 4 dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, việc Bắc Giang triển khai quyết liệt giải pháp yêu cầu người dân toàn tỉnh sử dụng Bluezone để khai báo y tế điện tử, quét mã QR ghi nhận thông tin người đi, đến các địa điểm công cộng đã góp phần khoanh vùng, dập dịch nhanh chóng.

Bên cạnh đó, nhờ ứng dụng nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến, việc xét nghiệm Covid-19 tại Bắc Giang đã nhanh chóng hơn, tiết kiệm khoảng 50% thời gian so với thực hiện theo quy trình thủ công, đặc biệt là giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo. Hiện nay, người dân Bắc Giang đã dùng Bluezone đều có thể xem được kết quả xét nghiệm trên ứng dụng.

Phát triển PC-Covid từ Bluezone để duy trì trải nghiệm liền mạch cho người dân
Nhiều địa phương sử dụng Bluezone để hỗ trợ hiệu quả việc triển khai các nền tảng công nghệ phục vụ phòng chống dịch Covid-19.

Cùng với Bắc Giang, trải qua 4 đợt dịch, nhiều địa phương khác trong cả nước như Quảng Ninh, Hà Nội, Lào Cai, Lạng Sơn, Bà Rịa – Vũng Tàu… đã sử dụng Bluezone để hỗ trợ hiệu quả công tác phòng chống dịch.

Tính đến giữa tháng 9, thời điểm Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo việc chỉ dùng 1 ứng dụng trong phòng chống dịch, Bluezone đã có hơn 22 triệu người dùng và gần 10 triệu người sử dụng thường xuyên.

Là ứng dụng hỗ trợ chống dịch được phát triển từ thời gian đầu dịch Covid-19, hiện nay Bluezone là ứng dụng được người dân sử dụng phổ biến nhất. NCOVI có số người dùng thấp hơn với 10 triệu.

Hơn thế, trong quá trình phát triển, ứng dụng Bluezone đã được bổ sung nhiều tính năng quan trọng và được người dân sử dụng hàng ngày như: quét mã QR để ghi nhận lượt vào ra tại các địa điểm công cộng, nơi đông người, trụ sở cơ quan, tổ chức.

Ứng dụng Bluezone cũng được tích hợp thông tin tiêm chủng, kết quả xét nghiệm của mỗi người dân. Ngoài ra, một số tỉnh sử dụng ứng dụng Bluezone như một “giấy đi đường điện tử” hoặc “Thẻ xanh Covid”.

Chính vì vậy, khi nhận nhiệm vụ chủ trì phát triển 1 ứng dụng chính thức của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid -19 quốc gia, Bộ TT&TT đã thống nhất với Bộ Y tế, Bộ Công an về việc nâng cấp ứng dụng Bluezone, tích hợp và hoàn thiện các tính năng để hình thành nên ứng dụng PC-Covid phục vụ phòng chống dịch cho người dân.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm giới thiệu ứng dụng PC-Covid, đại diện Bộ TT&TT cho biết, phương án phát triển một ứng dụng mới hoàn toàn hay nâng cấp, phát triển từ Bluezone đã được đội ngũ Trung tâm công nghệ cùng đại diện các bộ, ngành liên quan phân tích, thảo luận nhiều lần.

Nếu làm 1 ứng dụng mới sẽ dễ dàng hơn cho đội kỹ sư của Trung tâm công nghệ nhưng lại không thỏa đáng với người dân.

“Nhiều người dân tại các địa phương vẫn đang sử dụng Bluezone hiệu quả, chúng ta lại yêu cầu họ gỡ đi cài đặt 1 ứng dụng mới thì tôi cho rằng sự lựa chọn không đặt lợi ích của số đông lên trên. PC-Covid là nỗ lực lớn của đội ngũ làm công nghệ để mang lại trải nghiệm liền mạch, liên tục nhất cho người dân”, đại diện Bộ TT&TT phân tích.

PC-Covid không đơn thuần chỉ là bản cập nhật của Bluezone

Với phương án nâng cấp Bluezone, tích hợp và hoàn thiện các tính năng để phát triển thành PC-Covid, ứng dụng này sẽ nhanh chóng đến được với người dân. PC-Covid thay thế Bluezone, do đó những người đang cài Bluezone, khi nâng cấp sẽ có luôn PC-Covid, không phải lặp lại các biện pháp truyền thông không cần thiết có thể làm phiền người dân.

Theo kế hoạch, thời gian tới, khi thông báo công bố phiên bản chính thức của PC-Covid, không chỉ người dùng Bluezone, mà cả người dùng các ứng dụng chống dịch khác như NCOVI, VHD… cũng nhận được thông báo cập nhật. Khi người dùng đồng ý với thông báo, ứng dụng sẽ được cập nhật lên PC-Covid.

Phát triển PC-Covid từ Bluezone để duy trì trải nghiệm liền mạch cho người dân
App PC-Covid chỉ là phần nhỏ nổi lên, bên dưới nó là nhiều nền tảng công nghệ lớn khác nhau.

Nhấn mạnh PC-Covid không đơn thuần chỉ là bản cập nhật của Bluezone, đại diện Trung tâm công nghệ cho hay, những tính năng đang chạy tốt của các ứng dụng chống dịch Covid đã được thiết kế lại cho thuận tiện nhất có thể đưa vào PC-Covid, bao gồm Khai báo Y tế; Phản ánh; Quét mã QR; Tiếp xúc gần, Thông tin tiêm, xét nghiệm...

PC-Covid là nỗ lực của đội ngũ công nghệ để thực hiện chiến lược chống dịch mới của Chính phủ. Dưới sự chủ trì của 3 Bộ TT&TT, Công an, Y tế, đội ngũ công nghệ đã chọn những tính năng của các ứng dụng khác nhau để tích hợp vào PC-Covid.

Cụ thể, về mã nguồn, PC-Covid có các thành phần quản lý tiếp xúc gần, quét mã QR là nâng cấp từ Bluezone. Phần khai báo y tế được làm mới theo biểu mẫu Bộ Y tế mới hướng dẫn. Phần phản ánh thì làm mới hoàn toàn. Thông tin tiêm, xét nghiệm được liên thông với các nền tảng quản lý tiêm chủng, hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến...

Theo đại diện Trung tâm công nghệ, đằng sau PC-Covid là nhiều nền tảng lớn, mà chỉ 1 thông tin hiển thị lên trên app cũng phải có 1 hệ thống với những quy trình nghiệp vụ phức tạp.

Cũng chính vì lý do trên khi đưa PC-Covid lên các kho ứng dụng, cả Google và Apple đều review rất kỹ, duyệt lâu. Họ hỏi đến từng dòng code này để làm gì, tại sao sử dụng bộ thư viện này, tại sao giao diện đề cập vấn đề này nhưng thông báo phản hồi lại khác, vì sao đưa 1 app mới nhưng lại cập nhật trên 1 app cũ.

"Các chuyên gia review team của Apple và Google nhiều đêm liền điện thoại trực tiếp với chúng tôi để hỏi”, đại diện Trung tâm công nghệ chia sẻ thêm.

Vân Anh

Thông tin trên PC-Covid có sai sót, người dân cần làm gì?

Thông tin trên PC-Covid có sai sót, người dân cần làm gì?

Tình trạng “xôi đỗ” trong nhập dữ liệu ở địa phương, khai chưa đúng, sự thiếu ổn định khi mới chuyển đổi app… là các lý do khiến thông tin trên PC-Covid của một số người dân còn sai, thiếu.