Lầu Năm Góc phát triển AI có thể dự đoán sự kiện xung đột "sớm vài ngày"

04/08/2021
Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp quân đội Mỹ đưa ra các quyết định chủ động trước các vấn đề.

Thử nghiệm AI của quân đội Mỹ đang dần trở nên tham vọng hơn. Tờ The Drive báo cáo Sở chỉ huy Bắc Mỹ gần đây đã hoàn thành một chuỗi thử nghiệm cho Thử nghiệm kiểm soát thông tin toàn cầu (GIDE), một tập hợp gồm trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và cảm biến giúp cho Lầu Năm Góc có khả năng dự đoán các sự kiện "vài ngày trước khi nó xảy ra", theo lời tướng Glen VanHerck. Khác với sự thần bí trong miêu tả, khả năng này có thể dẫn đến một thay đổi quan trọng trong cách thức hoạt động của quân đội và chính phủ.

Lầu Năm Góc phát triển AI có thể dự đoán sự kiện xung đột 'sớm vài ngày'
Lầu năm góc tin rằng AI của mình có thể dự đoán tình huống sẽ xảy ra "trước nhiều ngày"

Hệ thống dựa vào học máy (machine learning) này quan sát sự thay đổi dựa trên dữ liệu thô theo thời gian thực nhằm dự đoán các biến cố có thể xảy ra. Nếu như hình ảnh vệ tinh cho thấy các dấu hiệu của một chiếc tàu ngầm rời cảng từ một quốc gia đối thủ, như một ví dụ, AI này có khả năng ghi nhận ngay sự biến động đó. Phân tích viên của quân đội có thể mất hàng giờ, thậm chí nhiều ngày mới có thể phát hiện ra điều này - trong khi đó công nghệ GIDE có thể cảnh báo chỉ sau "vài giây," ông VanHerk nói.

Cuộc diễn tập gần đây với công nghệ này, GIDE 3, là thử nghiệm lớn nhất được triển khai cho tới thời điểm hiện tại. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo này cho thấy tất cả 11 cơ quan chỉ huy và Bộ Quốc phòng mở rộng đã sử dụng các hệ thống giám sát dân sự và quân sự để nhận diện ra các tình huống "xung đột hậu cần" tiềm ẩn (chẳng hạn như thông tin liên lạc trong kênh đào Panama). "Công nghệ được sử dụng không phải hoàn toàn mới", trích lời tướng VanHerk, nhưng quân đội đã "đồng bộ được mọi nguồn thông tin vào cùng nhau".

Nền tảng này có thể sẽ được sử dụng trong thế giới thực trong một tương lai gần. Ông VanHerk tin rằng quân đội đã "sẵn sàng thực nghiệm" với phần mềm, và có thể sẽ xác minh lại nó tại cuộc "Tập trận tích hợp toàn cầu" vào mùa xuân 2022.

Lợi thế của AI dự báo này là một điều không thể bàn cãi. Thay vì phản ứng một cách bị động trước các tình huống hoặc dựa dẫm vào các thông tin đã lỗi thời, Lầu năm góc có thể chuẩn bị trước như triển khai lực lượng hay tăng cường phòng thủ. Công nghệ này đồng thời cũng mang đến một "cơ hội" cho chính phủ dân sự, ông VanHerk cho biết thêm. Ông không đưa ra các ví dụ cụ thể, nhưng trí tuệ nhân tạo có thể giúp các chính trị gia phát hiện những hành vi đe dọa ngay từ giai đoạn tiềm ẩn.

Vẫn có những điểm giới hạn đối với công nghệ này. Trí tuệ nhân tạo có thể giúp phát hiện những hành vi bất thường, ví dụ như số lượng xe trong bãi đỗ hay lượng máy bay nhiều hơn mức thông thường, nhưng nó không thể chỉ ra chính xác điều gì đang xảy ra - điều mà vẫn cần sự tham gia phát hiện của con người. Mặc dù vậy, công nghệ này có thể trở nên hữu ích nếu nó có thể ngăn chặn một cuộc tấn công bất ngờ hay dẫn tới một thỏa thuận thay vì đụng độ quân sự.

Tuấn Vũ(theo Engadget)

Nga giới thiệu máy bay chiến đấu tàng hình mới có trí tuệ nhân tạo

Nga giới thiệu máy bay chiến đấu tàng hình mới có trí tuệ nhân tạo

Rostec miêu tả đây là máy bay chiến đấu hạng nhẹ thế hệ thứ năm có một động cơ, được trang bị “các giải pháp sáng tạo” bao gồm trí tuệ nhân tạo.