Cuộc chiến bản quyền tin tức: Canada nối gót Australia

15/07/2021
Sau Australia, Canada có thể sẽ là quốc gia tiếp theo có động thái cứng rắn đối với những “gã khổng lồ” công nghệ về vấn đề bản quyền tin tức.

Cuộc chiến phí bản quyền tin tức

Tháng trước, Google đã đưa ra thông báo cam kết sẽ thanh toán cho 8 đơn vị truyền thông của Canada - trong đó có The Globe and Mail, Winnipeg Free Press và Village Media về bản quyền cho nội dung của họ xuất hiện trên Google News Showcase - một ứng dụng tin tức mới của Google. Tuy nhiên, chi tiết thỏa thuận và cách thức trả phí không được các bên công khai. Sự kiện này diễn ra ngay sau khi Facebook ký thỏa thuận với 14 nhà xuất bản kỹ thuật số của Canada liên quan đến dự án “Thử nghiệm đổi mới tin tức”, cho phép dẫn lại các bài viết của những tờ báo này trên trang chính của họ để người dùng có khả năng tiếp cận đến. Một lần nữa, các công ty cũng không tiết lộ bất kỳ điều kiện, thỏa thuận nào.

Vậy lời giải thích nào phù hợp cho sự bùng nổ của “cuộc chiến” bản quyền tin tức giữa các nhà xuất bản tin tức và nhóm "Big Tech" thời gian gần đây? Vào tháng 2/2021, Australia đã thông qua điều luật yêu cầu Facebook và Google đàm phán các thỏa thuận về nội dung với các hãng truyền thông. Trong trường hợp đàm phán thất bại, chính phủ sẽ tiến hành áp đặt các khoản phí. Ngay sau đó, Canada đã tuyên bố rằng nước này có thể sẽ áp dụng một biện pháp tương tự. Chính điều này đã dẫn tới đến các sự việc nêu trên.

Trước tiên, đó là một chiến lược khá thông minh để đối phó với các “gã khổng lồ” công nghệ. Vậy tại sao chính phủ lại trực tiếp tham gia trong khi bản thân các nhà xuất bản có thể tự mình thực hiện các giao dịch? Hiện tại, họ - những nhà xuất bản tin tức đang phải đối mặt với những hậu quả không được lường trước. “Các thỏa thuận mang tính độc hữu (one-off), chẳng hạn như theo những gì được đề xuất bởi các nền tảng kỹ thuật số, sẽ không đủ để giải quyết sự mất cân bằng thị trường giữa giữa các tổ chức truyền thông và những người hưởng lợi từ công việc của họ”, theo Steven Guilbeault - Bộ trưởng Di sản Canada.

Hầu hết các nhà xuất bản tin tức đều không đồng ý với các chính sách trả phí nội dung hiện tại của Google và đó cũng là lý do khiến họ muốn chính phủ xem xét và thi hành các điều luật được đề xuất nhằm đảm bảo những “gã khổng lồ” công nghệ như Google và Facebook phải trả tiền cho nội dung tin tức mà họ muốn đăng tải.

Cuộc chiến bản quyền tin tức: Canada nối gót Australia ảnh 1

Các nền tảng công nghệ lớn đang áp dụng các tiêu chí hạn hẹp, không rõ ràng để trục lợi từ các nhà xuất bản. Ảnh: DW

Mặc dù có một số bất đồng nhỏ giữa các nhà xuất bản về việc quy trình thanh toán nên được thực hiện như thế nào, nhưng hầu hết họ đều thừa nhận rằng các nền tảng công nghệ lớn đang áp dụng các tiêu chí hạn hẹp, không rõ ràng để trục lợi từ các nhà xuất bản.

Tuy nhiên, “các nhà xuất bản dù lớn hay nhỏ đều sợ quyền lực mà những gã công nghệ khổng lồ đang nắm giữ và sử dụng, trên hết họ lo lắng rằng việc phản đối theo cách công khai có thể gây nguy hiểm đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp”, David Skok - nhà sáng lập cũng là Tổng biên tập của The Logic nhận định.

Cuộc tranh luận về việc liệu rằng các nền tảng công nghệ có nhất thiết phải trả tiền cho báo chí cũng giống như việc đi tìm đáp án cho câu hỏi ai sẽ là người chịu trách nhiệm về sự khủng hoảng kinh tế của ngành báo chí? Cho dù ai là người chịu trách nhiệm thì quyết định đã được đưa ra: Facebook và Google sẽ phải trả tiền cho hoạt động báo chí. Các chính sách gần đây của hai công ty cũng như quyết định của chính phủ Australia đã chứng minh điều này.

Nối gót Australia: Canada sẽ là quốc gia tiếp theo?

Các nhà xuất bản tin tức của Canada đều muốn cố gắng đạt được thỏa thuận có lợi nhất với các công ty công nghệ thay vì chờ đợi sự giúp đỡ của chính phủ bởi Đảng Tự do của Canada đã không đưa ra bất kỳ điều luật hỗ trợ nào trong hồ sơ đệ trình lên nghị viện nước này, theo ông Skok.

"Hiện tại tôi đã biết kết quả của một thỏa thuận đã diễn ra trước đó với Google. Tuy nhiên, bên cạnh đó là dự cảm không chắc chắn về những gì chính phủ sẽ đưa ra, nếu như họ thực hiện. Dù điều khoản có vẻ như đôi bên cùng có lợi cho người đọc, nhà xuất bản và nền tảng công nghệ thì các “gã khổng lồ” có xu hướng “bài trừ” các cơ quan báo chí có nhiều người sáng lập và các cách tiếp cận đa dạng”, ông Phillip Crawley - Giám đốc điều hành của The Globe and Mail nói.

Maggie Shiels - người đứng đầu quan hệ tin tức công chúng của Google cho biết News Showcase tập trung, nhấn mạnh “sự bao hàm toàn diện, tin tức được quan tâm rộng rãi”. “Google News Showcase là một bộ sưu tập các nội dung được tuyển chọn từ các nhà xuất bản có uy tín, được đính kèm trong ứng dụng Google News của Google và giới thiệu đến với người dùng. Đây là chương trình mà Google sẽ trả tiền cho các nhà xuất bản và các hãng truyền thông từ một số quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, có ít nhất 3 bên xuất bản mà tôi tin rằng họ hoàn toàn phù hợp với điều kiện nhưng lại được thông báo là không đủ tiêu chuẩn” - theo ông Skok.

Một nhà xuất bản cho biết: “Họ đã chọn những nhà xuất bản mà họ cho là có ảnh hưởng hoặc tổ chức đó có vài người quen của họ”.

Các nhà xuất bản cần sự vào cuộc của chính phủ

Cuộc chiến bản quyền tin tức: Canada nối gót Australia ảnh 2

Ảnh: FT

“Tôi hoàn toàn tin rằng họ [Google] đang tìm cách vô hiệu hóa quy định của chính phủ. Họ đang cố gắng hết sức để chứng minh cho chính phủ thấy rằng họ hiểu tình hình thị trường ở Canada, rằng họ coi trọng sự đổi mới và tinh thần kinh doanh và hơn hết điều đó nó không phải là xây dựng chủ nghĩa kinh doanh độc quyền hay củng cố quyền lực kinh tế" - một nhà xuất bản cho hay.

Trong khi đó, bà Shiels cho biết: “Chương trình này đang được xây dựng với trọng tâm là in ấn và báo kỹ thuật số, nhấn mạnh các nguồn tin tức địa phương. Google vẫn tiếp tục duy trì “trò chuyện tích cực” với các nhà xuất bản thuộc mọi quy mô trên khắp đất nước”.

“Chúng tôi đã và đang cố gắng cung cấp một loạt các chương trình và cơ hội hợp tác cho các nhà xuất bản thuộc mọi quy mô, bao gồm cả báo kỹ thuật số hàng đầu (digital first) và báo truyền thống (traditional news) từ mọi khu vực của đất nước. Việc tham gia là hoàn toàn tự nguyện và chúng tôi luôn cố gắng lắng nghe các nhà xuất bản để cố gắng đáp ứng các yêu cầu về dịch vụ của họ”, Meg Sinclair - người đại diện Facebook tại Canada nói.

Tại Australia, sau khi chính phủ bắt tay vào hành động, Facebook và Google ước tính đã chi hơn 200 triệu đô la Australia (AUD) vào lĩnh vực báo chí, trong đó Rupert Murdoch’s News Corp được cho là đã nhận được hàng chục triệu AUD chỉ tính riêng từ phía Google. Các nhà xuất bản Canada kiếm tiền từ các thỏa thuận với Facebook và Google. Ví dụ, The Globe and Mail sẽ có thêm kinh phí bồi dưỡng nhân tài trong ngành và tiếp cận khán giả toàn cầu nhiều hơn thông qua nền tảng công nghệ.

Sự giàu có, quy mô và sức ảnh hưởng tuyệt đối của những “gã khổng lồ” công nghệ chứng tỏ rằng những quyết định này sẽ định hình những cái mà bạn sẽ đọc, bóp méo “thị trường ý tưởng” (marketplace of ideas). Đây không chỉ đơn giản là sân chơi của những cá nhân chấp nhận trả một cái giá sàn hợp lý để đổi lấy sản phẩm - mà còn là sân chơi của các công ty tư nhân với vốn hóa thị trường nghìn tỉ đô la sử dụng sức mạnh đàm phán nhằm theo đuổi lợi ích riêng.

“Mặc dù The Logic đã tổ chức các cuộc đàm phán sơ bộ với Google và Facebook, tuy nhiên cho đến nay các cuộc đàm luận vẫn không có kết quả khả thi. Tôi nghĩ rằng những dòng tôi viết ở đây cũng sẽ không giúp cải thiện điều đó. Tôi không tham gia chiến dịch vận động hành lang Ottawa (Lobby Ottawa) vì tôi tin rằng thành công của The Logic phụ thuộc vào sự liên kết của chính nó với độc giả, chứ không phải mối quan hệ với bất kì các nền tảng công nghệ nào. Đây không phải là một cuộc chiến mà tôi muốn. Nhưng ngay lúc này các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi đang thực hiện các thỏa thuận với những “người khổng lồ” mạng truyền thông xã hội, cuộc chiến đã mất cân bằng và tôi không còn cách nào khác ngoài việc lên tiếng - không chỉ cho công ty của tôi, mà còn là cho một môi trường báo chí lành mạnh, lên tiếng để ủng hộ một nền dân chủ mạnh mẽ” - ông Skok nhấn mạnh.

Cũng theo chủ tờ The Logic, chính phủ Canada nên tiếp bước chính phủ Australia trong việc tham gia phân xử cuộc tranh luận giữa các nền tảng công nghệ và nhà xuất bản khi cần thiết. Ngay cả khi không có gì đảm bảo rằng những “gã khổng lồ” công nghệ sẽ thương lượng một cách thiện chí thì các điều luật cần phải đưa ra được các tiêu chí rõ ràng và minh bạch. Các nhà xuất bản cũng nên được phép thương lượng cùng lúc với nhiều nền tảng công nghệ để đảm bảo các cuộc đàm phán được tiến hành một cách thiện chí, với các thỏa thuận công bằng, bình đẳng và các tiêu chí được vạch ra rõ ràng để duy trì một sân chơi bình đẳng cho tất cả các nhà xuất bản.

Vào năm ngoái, David Cicilline - một nghị sĩ Hoa Kỳ cũng là Chủ tịch Tiểu ban tư pháp của Hạ viện Hoa Kỳ đã dẫn đầu một cuộc điều tra chống độc quyền toàn diện nhắm vào Big Tech - các công ty công nghệ lớn. Ông gọi Amazon, Apple, Facebook và Google là “những người gác cổng cho nền kinh tế trực tuyến”. “Họ chèn ép các đối thủ và lạm dụng quyền lực độc quyền của mình - hành vi hoàn toàn có hại cho người tiêu dùng, sự cạnh tranh, sự đổi mới và nền dân chủ của chúng ta. Họ không được phép sử dụng năng lực đó để làm hao mòn thêm hệ sinh thái báo chí”, ông nhấm mạnh.

“Đây thực sự là một trường hợp ngoại lệ hiếm hoi cần đến sự can thiệp của chính phủ. Các nền tảng công nghệ hoạt động độc lập đã làm rối loạn các cuộc bầu cử nói chung và nền dân chủ nói riêng”, ông David nói thêm.

Theo Viettimes/Nieman Lab

Australia chuẩn bị cuộc chiến thứ hai với các ông lớn công nghệ

Australia chuẩn bị cuộc chiến thứ hai với các ông lớn công nghệ

Australia đang là quốc gia đi đầu trên thế giới trong việc xây dựng khung pháp lý nhằm từng bước kiểm soát hoạt động của các ông lớn công nghệ.