5 ngày, Hà Nội nhận hơn 2.000 cuộc gọi về giải đáp phòng chống Covid-19 đến tổng đài 1022

25/08/2021
Theo Sở TT&TT Hà Nội, tất cả các cuộc gọi phản ánh của người dân liên quan đến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn qua Tổng đài 1022 đều được ghi nhận, giải đáp hoặc chuyển đến cơ quan chức năng xử lý kịp thời.

Cầu nối giữa người dân với chính quyền Thủ đô

Cùng với các giải pháp quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, từ ngày 19/8, Hà Nội đã đưa vào vận hành Tổng đài 1022 - kênh kết nối, tiếp nhận phản ánh, giải đáp kiến nghị của công dân, tổ chức tại thành phố. Trước mắt, Tổng đài 1022 của Hà Nội tập trung tiếp nhận, giải đáp các kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19.

UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở TT&TT chủ trì việc vận hành Tổng đài 1022 với 4 nhánh gồm: Nhánh 1 (bấm phím 1) - Kết nối đến Trung tâm cấp cứu 115; Nhánh 2 (bấm phím 2) - Kết nối đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội; Nhánh 3 (bấm phím 3) - Kết nối đến Mạng lưới thầy thuốc đồng hành; Nhánh 4 (bấm phím 4) - Kết nối đến Sở TT&TT để phản ánh về vi phạm phòng, chống dịch Covid-19.

Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Thanh Liêm cho biết, Sở đang vận hành song song cả Tổng đài 1022 và Hệ thống phản ánh tình hình phòng chống dịch Covid-19 thông qua 2 số điện thoại 0889.55.66.55 - 0889.55.77.55, kênh phản ánh trên tài khoản Zalo “Sở Thông tin Truyền thông TP Hà Nội” và hòm thư phản ánh tại địa chỉ antoancovid.vn/phananhHN.

Sắp tới, 2 số điện thoại 0889.55.66.55 - 0889.55.77.55 sẽ dần được thay thế bằng Tổng đài 1022 để thống nhất và thuận tiện hơn cho người dân Thủ đô. Để đảm bảo các phản ánh và cuộc gọi của người dân được tiếp nhận 24/7, Sở TT&TT Hà Nội đã bố trí 18 cán bộ, mỗi kíp trực có 6 người, chia làm 3 ca trực.

5 ngày, Hà Nội nhận hơn 2.000 cuộc gọi về giải đáp phòng chống Covid-19 đến tổng đài 1022
Hiện nay, khung giờ từ 8h đến 20h hàng ngày là khoảng thời gian Tổng đài 1022 của Hà Nội tiếp nhận nhiều cuộc gọi nhất. 

Theo chia sẻ của chị Lý Như Hoa, điện thoại viên trực Tổng đài 1022 Hà Nội, trong khoảng thời gian từ 8h đến 20h hàng ngày, Tổng đài tiếp nhận nhiều cuộc gọi nhất. Ngoài các nội dung phản ánh về sai phạm trong phòng chống dịch Covid-19 như: tụ tập đông người, không đeo khẩu trang, tập thể dục...

Những ngày qua, Tổng đài 1022 Hà Nội cũng tiếp nhận và hỗ trợ công dân nhiều nội dung phản ánh khác như: đăng ký lưu thông hàng hóa thiết yếu; thủ tục, giấy tờ cần thiết khi ra vào thành phố; hướng dẫn khai báo y tế; đăng ký tiêm vắc xin; chính sách hỗ trợ với các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19...

Đối với nội dung vi phạm phòng chống dịch, sau khi tiếp nhận, điện thoại viên sẽ chuyển ngay đến các đơn vị chức năng của quận, huyện, xã, phường để kịp thời xử lý.

Nhờ hoạt động 24/7 tiếp nhận và giải đáp những vấn đề mà người dân góp ý phản ánh, Tổng đài 1022 bước đầu đã trở thành một cầu nối hiệu quả giữa người dân với chính quyền thành phố.

Theo thống kê của Sở TT&TT Hà Nội, qua 5 ngày hoạt động song song 2 hệ thống (từ ngày 19/8 đến 23/8/2021), Sở TT&TT đã tiếp nhận 2.088 cuộc gọi, tin nhắn phản ánh của người dân. Trong đó, đã giải đáp và xử lý 1.581 cuộc gọi, tin nhắn; chuyển 507 phản ánh để các quận, huyện xử lý theo thẩm quyền.

300 bác sĩ luôn túc trực để tư vấn chăm sóc sức khỏe người dân

Đặc biệt, không chỉ tiếp nhận phản ánh của người dân liên quan đến công tác phòng, chống dịch, khi gọi đến Tổng đài 1022 và chọn nhánh 3 kết nối tới Mạng lưới thầy thuốc đồng hành, người dân sẽ được hỗ trợ tư vấn chăm sóc sức khỏe trực tuyến liên quan đến dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là người mắc Covid-19.

Với 300 y, bác sĩ, mạng lưới Thầy thuốc đồng hành chia thành 2 nhóm chính: Nhóm Tư vấn nhận cuộc gọi đến từ nhân dân và tư vấn chăm sóc sức khỏe cộng đồng gồm các bác sĩ có từ 5 năm kinh nghiệm trở lên, hoạt động 7/7 ngày trong các khung giờ: từ 9h đến 11h; 15h đến 17h và từ 19h đến 21h. Nhóm Chăm sóc chủ động thăm hỏi sức khỏe và tư vấn các trường hợp mới phát hiện nhiễm Covid-19, hoặc đang trong khu cách ly tập trung.

Qua hệ thống tổng đài kết nối trực tuyến 2 chiều và công cụ điều phối công việc theo thời gian thực cho tình nguyện viên, các y bác sĩ có thể đồng thời tư vấn từ xa cho bệnh nhân; ghi và theo dõi kết quả tình trạng bệnh của từng trường hợp; phân tầng nguy cơ, cung cấp thêm thông tin về các ca bệnh nặng, hỗ trợ y tế địa phương trong việc điều phối nguồn lực cấp cứu, nhập viện.

Nhấn mạnh người dân là yếu tố quyết định chiến thắng trong công cuộc phòng, chống Covid-19, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Thanh Liêm chỉ rõ rất cần sự đồng lòng và chung tay của tất cả người dân Thủ đô. Thành phố khuyến khích người dân cùng ghi lại các hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch và phản ánh đến Tổng đài 1022, cũng như các kênh phản ánh trên tài khoản Zalo “Sở Thông tin Truyền thông TP Hà Nội” và hòm thư phản ánh tại địa chỉ antoancovid.vn/phananhHN.

“Những việc làm này sẽ hỗ trợ hiệu quả cho cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện và ngăn chặn vi phạm. Những đóng góp của người dân cũng thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng và đồng hành cùng Thành phố để phòng chống, sớm đẩy lùi dịch bệnh”, ông Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ.

Vân Anh

Công nghệ giúp gần 4.000 y bác sĩ, tình nguyện viên chăm sóc và sàng lọc F0 từ xa

Công nghệ giúp gần 4.000 y bác sĩ, tình nguyện viên chăm sóc và sàng lọc F0 từ xa

Đến nay, trên nền tảng trực tuyến mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” sử dụng, đã có gần 4.000 y bác sĩ, tình nguyện viên trải qua tập huấn và chính thức hỗ trợ cho bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM, Bình Dương và Hà Nội.