Việt Nam nên định nghĩa lại phạm vi và quy mô kinh tế số

17/01/2022
Theo ý kiến chuyên gia, cách tính quy mô kinh tế số hiện nay mới chỉ đến được phần lõi, trong khi chuyển đổi số đang lan tỏa mạnh mẽ vào trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực.

Đây là ý kiến được đưa ra bởi Tiến sĩ (TS) Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV trong một cuộc hội thảo được tổ chức mới đây. Theo đó, TS Cấn Văn Lực cho rằng, tiêu chí và đo lường về kinh tế số ở Việt Nam hiện vẫn còn đại khái. 

Ở góc nhìn của mình, theo chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV, Bộ TT&TT đã đưa ra tính toán sơ bộ về kinh tế số nhưng chưa đủ, bởi kết quả này mới đo về kinh tế lõi (ICT). Trong khi đó, chuyển đổi số đã và đang diễn ra ở tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế. 

Theo TS Cấn Văn Lực, quy mô kinh tế số Việt Nam hiện nay lớn hơn nhiều. Bằng chứng là với ngành ngân hàng, doanh thu từ thanh toán số hiện đã chiếm 20% quy mô mảng thị trường này. Trong khi đó, lĩnh vực thanh toán số rõ ràng nên được tính như một bộ phận của nền kinh tế số. 

Việt Nam nên định nghĩa lại phạm vi và quy mô kinh tế số
TS Cấn Văn Lực gợi ý Việt Nam nên xem lại các tiêu chí cũng như cách đo lường đối với kinh tế số. 

Thực tế cho thấy, mỗi cơ quan, đơn vị lại đang có một cách hiểu và một cách thống kê riêng về quy mô của nền kinh tế số Việt Nam. 

Theo Sách trắng CNTT Truyền thông năm 2021 của Bộ Thông tin & Truyền thông, tính đến hết năm 2020, tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp CNTT - điện tử, viễn thông Việt Nam đang là 124,7 tỷ USD.

Doanh thu này bao gồm mảng công nghiệp phần cứng, điện tử (111 tỷ USD), công nghiệp phần mềm (5,4 tỷ USD), công nghiệp nội dung số (888 triệu USD) và doanh thu dịch vụ CNTT (7,3 tỷ USD).

Trong khi đó, tại Tọa đàm cấp cao về Kinh tế số được tổ chức mới đây ở Hà Nội, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) từng lấy những chỉ số về phát triển thương mại điện tử để nói lên sự tăng trưởng của kinh tế số Việt Nam. 

Đánh giá của Bộ Công thương cho thấy, từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử tại Việt Nam là từ 25-30%/năm. Doanh thu B2C của thương mại điện tử Việt Nam đã tăng từ 5 tỷ USD năm 2016 lên thành 11,8 tỷ USD trong năm 2020. 

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng, đến năm 2025, quy mô doanh thu B2C trong thương mại điện tử Việt Nam là 35 tỷ USD, chiếm khoảng 10% doanh số bán lẻ trên cả nước.

Việt Nam nên định nghĩa lại phạm vi và quy mô kinh tế số
Thương mại điện tử tại Việt Nam chưa bao giờ phát triển mạnh như hiện nay. Ảnh: Trọng Đạt

Ở góc nhìn quốc tế, báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company lại chỉ nhắc tới nền kinh tế Internet Việt Nam. Theo đó, tổng giá trị nền kinh tế Internet của Việt Nam năm 2021 dự kiến đạt 21 tỷ USD, tăng 31%. 

Dự báo của Google, Temasek và Bain & Company cho thấy, đến năm 2025, toàn bộ nền kinh tế Internet tại Việt Nam sẽ đạt giá trị 57 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) đạt 29%. 

Với những góc nhìn trên, có thể thấy vẫn còn có nhiều cách hiểu khác nhau khi nhắc tới câu chuyện nền kinh tế số Việt Nam. 

Sau khi tổng hợp dữ liệu từ UNDP, OECD, IMF, có thể hiểu kinh tế số đang được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Trong đó, kinh tế số nghĩa hẹp chính là lĩnh vực CNTT - Truyền thông. Bao gồm việc sản xuất các thiết bị CNTT (phần cứng, phần mềm), thiết bị bán dẫn, các dịch vụ viễn thông và Internet (nội dung số), xử lý dữ liệu...

Việt Nam nên định nghĩa lại phạm vi và quy mô kinh tế số
Doanh thu lĩnh vực CNTT - Truyền thông có thể hiểu là quy mô kinh tế số nếu xét theo nghĩa hẹp. Ảnh: Trọng Đạt

Với nghĩa tương đối hẹp, kinh tế số có thể được hiểu bao gồm lĩnh vực CNTT-TT và các ngành nghề, mô hình kinh doanh gắn với công nghệ số (dịch vụ số, các nền tảng trực tuyến, một bộ phận của kinh tế chia sẻ...).

Trong khi đó, kinh tế số nghĩa rộng là tất cả các ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế được hình thành và diễn ra trên nền tảng số (kể cả các ngành kinh tế truyền thống).

Kinh tế số xét theo nghĩa rộng còn bao gồm cả các ngành nghề, lĩnh vực có áp dụng công nghệ số như thương mại điện tử, du lịch số, y tế số, nông nghiệp số, giáo dục số, chính phủ điện tử...

Trước thực tế nan giải này, TS Cấn Văn Lực hiến kế về việc Việt Nam cần có một bài toán đo lường quy mô của cả nền kinh tế số. Trong đó, việc đầu tiên tiên cần làm là phải đưa ra định nghĩa rõ ràng về phạm vi cũng như quy mô kinh tế số. 

Trọng Đạt

Việt Nam đang trở thành trung tâm khởi nghiệp tiếp theo của châu Á

Việt Nam đang trở thành trung tâm khởi nghiệp tiếp theo của châu Á

Quan điểm Việt Nam đang dần trở thành cái nôi cho khởi nghiệp sáng tạo mới đây đã được một nhà đầu tư mạo hiểm dạn dày kinh nghiệm chia sẻ trên Bloomberg.