Phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về phòng chống Covid-19 ở TP.HCM

30/06/2021
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đại dịch Covid-19 là cú huých trăm năm cho chuyển đổi số, một vài tháng Covid có khi bằng 5, 10 năm.

Lời tòa soạn: Sáng 26/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có chuyến công tác tại TP.HCM về phòng, chống dịch trên địa bàn. Cùng tham gia đoàn công tác, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài phát biểu về phòng chống Covid-19 và phát triển kinh tế xã hội ở TP.HCM và một số tỉnh lân cận. VietNamNet trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về phòng chống Covid-19 ở TP.HCM
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra khu cách ly tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: Thuận Thắng/Zing

Đại dịch Covid-19 là cú huých trăm năm cho chuyển đổi số (CĐS). Hầu hết các quốc gia đều tận dụng được cơ hội này để nhanh chóng chuyển nhiều nhất có thể các hoạt động lên môi trường số. Một vài tháng Covid-19 có khi bằng 5, 10 năm.

TP.HCM và các tỉnh nên tận dụng cơ hội này để đẩy nhanh CĐS. Cái được lớn nhất sẽ là, sau Covid thì các địa phương đã đưa được mặt bằng về công nghệ số lên một tầng nấc mới. Mục tiêu 2025/2030 về ứng dụng CNTT, về CĐS có khi sẽ đạt được ngay trong năm 2021 này nếu như biết cách tận dụng. Đi trước và đi nhanh về CĐS sẽ giúp chúng ta phát triển bứt phá sau Covid. Nếu chúng ta không tận dụng được cơ hội này thì tức là Covid chỉ mang lại thiệt hại. Và điều quan trọng hơn là sau Covid, sau thiệt hại nặng nề do Covid mang lại, thì chúng ta vẫn không có lợi thế gì hơn so với trước Covid. Và mục tiêu 5 năm, 10 năm về CĐS vẫn phải làm trong 5 năm, 10 năm.

Thí dụ, nếu các địa phương biết gắn tiêm vắc xin với hồ sơ sức khoẻ điện tử thì chỉ trong năm 2021 này, 100% người dân sẽ có hồ sơ sức khoẻ điện tử. Điều này, các nước phải làm mất 5 - 10 năm trong điều kiện bình thường. Hiện nay, Bộ TT&TT đã phát triển xong ứng dụng tiêm vắc xin gắn với hồ sơ sức khoẻ điện tử, chỉ cần các địa phương triệt để áp dụng.

Chúng ta đã 20 năm làm chính phủ điện tử và 10 năm đưa dịch vụ công lên trực tuyến, nhưng thí dụ như TP.HCM, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 mới đạt 15%, tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến mới có 22%, 78% người dân vẫn mang hồ sơ đến công sở để làm thủ tục. Nếu trong thời gian giãn cách này, chúng ta tạm dừng cung cấp dịch vụ công trực tiếp thì chỉ sau vài tháng là 100% dịch vụ công lên trực tuyến mức độ 4 và 100% người dân có thói quen dùng dịch vụ công trực tuyến. Như vậy là vài tháng bằng cả 10 năm.

Khi đại dịch xảy ra, các địa phương cũng có thể yêu cầu 100% các bệnh viện phải có bộ phận khám chữa bệnh online, người dân ở nhà mà vẫn thăm khám được, giảm tải giao thông, giảm tải bệnh viện, giảm nguy cơ lây nhiễm, và cũng giúp tăng nguồn thu cho bệnh viện khi bệnh nhân có xu thế không đến bệnh viện vì lo ngại Covid. Sau Covid thì 100% bệnh viện đã có bộ phận y tế điện tử và sẽ tạo đà cho CĐS các bệnh viện sau này.

Những ngày giãn cách, dịch giã này, các tỉnh thành cũng có thể yêu cầu 10 - 30% số môn học online, thi online, cả phổ thông và đại học. Bằng cách đó, chúng ta đã chuyển đổi 100% các nhà trường lên môi trường số. Điều mà hàng chục năm qua vẫn chưa làm được. Sau Covid thì đã thành thói quen mới và tiếp tục. Một số trường đại học sẽ chuyển đổi thành đại học số, với 100% số môn học và thi online. Việc học online ở nhà với học sinh cấp 2, cấp 3 và sinh viên đại học cũng giúp giảm tắc nghẽn giao thông.

Việc cho đóng cửa siêu thị khi giãn cách cũng đẩy nhanh thương mại điện tử (TMĐT). Mà TMĐT là nhân tố quan trọng số một của kinh tế số (KTS). 100% người dân có thói quen mua sắm online thì mục tiêu KTS chiếm 20-25% GDP vào năm 2025 là không khó khăn. Chỉ Covid mới có thể đẩy nhanh được mua sắm online. Không có Covid thì chúng ta sẽ phải mất hàng chục năm nữa.

Hỗ trợ người dân, các hộ kinh doanh và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lúc này thì không gì thiết thực hơn là đào tạo kỹ năng số, chuyển các hoạt động của họ lên môi trường số. Đây là lúc họ có nhiều thời gian hơn và buộc phải lên môi trường số.

Chính quyền yêu cầu CĐS nhanh cũng tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số phát triển. Chính thời Covid này có thể tạo ra các doanh nghiệp công nghệ xuất sắc. Bởi vì xuất sắc là do có nhiều việc để làm, là do được làm việc khó, được làm việc trong tình trạng khẩn cấp.

Về phòng chống dịch. Nếu các tỉnh thành áp dụng triệt để công nghệ để truy vết nhanh, chính xác thì không phải phong toả diện rộng, không phải cách ly nhiều người. Phong toả diện hẹp thì người dân thực thi nghiêm. Phong toả diện hẹp thì thành phố vẫn có thể hoạt động bình thường. Theo cách truyền thống thì không thể truy vết chính xác, vì không ai có thể nhớ nổi 14 ngày qua đã đi những đâu, tiếp xúc gần những ai. Truy vết bằng cách tra hỏi từng người cũng rất lâu, có khi cả tuần. Và vì vậy để bắt nhầm hơn bỏ sót, chúng ta buộc phải phong toả diện rộng, nhưng người dân thực thi thì không nghiêm mà xã hội thì ngưng trệ, mỗi ngày thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, người dân thì khó khăn.

Bộ TT&TT đã phát triển đủ 3 công nghệ cần thiết để truy vết nhanh. Thứ nhất là lộ trình đi lại 14 ngày gần nhất, giúp F0 nhớ lại đã đi qua những đâu. Thứ 2 là QRC giúp phát hiện F0 đã vào những hàng quán nào, cơ quan, đơn vị nào trong vòng 14 ngày qua. Thứ 3 là Bluezone giúp phát hiện những người mà F0 đã tiếp xúc gần dưới 2m trong vòng 14 ngày qua, kể cả người không quen. Bộ ba này là đủ để truy vết nhanh và chính xác, thường thì vài giờ là xong. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thành lập Trung tâm quốc gia về công nghệ phòng chống Covid tại Bộ TT&TT, đây là nơi tập trung các công nghệ phòng chống Covid, từ khâu nhập cảnh, xét nghiệm, truy vết, cách ly tới tiêm vắc xin. Trung tâm đã sẵn sàng để hỗ trợ tất cả các tỉnh thành.

Thí dụ, sáng nay khi Thủ tướng Chính phủ đi thực địa thì mới thấy rất khó giám sát hàng ngàn người trong khu cách ly để họ không tiếp xúc nhau, không trốn ra ngoài, để tránh lây chéo. Nhưng Thành phố vẫn chưa biết là nếu những người cách ly này mà cài đặt Bluezone thì sẽ giám sát được mọi tiếp xúc gần, không cần bố trí nhiều công an, bảo vệ để giám sát.

Các tỉnh thành phía nam, nhất là xung quanh TP.HCM, dân cư đông đúc và rất gần nhau, và thực ra là rất giống như một tỉnh siêu lớn. Dịch có thể lây lan lẫn nhau, nhiều tỉnh cùng lúc. Biến thể mới có thể lây lan qua không khí và tốc độ lây lan nhanh hơn. Đã đến lúc phải kết hợp hệ thống chính trị, chính quyền với công nghệ thì mới có thể kiểm soát được dịch bệnh. Công nghệ sẽ giúp cho việc phòng chống dịch thông minh hơn, đỡ tốn công sức hơn, đỡ tốn kém hơn và hiệu quả hơn. Chỉ dùng sức người thì không còn khả thi nữa. Giải pháp thì vẫn là: Xét nghiệm nhanh và chủ động; Truy vết nhanh và chính xác; Khoanh vùng, cách ly số ít nhưng nghiêm túc; Tiêm vắc xin đại trà. Và tất cả các khâu này nên dùng công nghệ số để hỗ trợ. Công nghệ thì dùng nền tảng, một nền tảng quốc gia dùng chung cho cả 63 tỉnh thành. Dữ liệu thì tập trung và liên thông các tỉnh thành và do vậy các tỉnh xung quang TP.HCM có thể xử lý như là một tỉnh siêu lớn.

Sẽ không thể kể hết những gì mà chúng ta có thể làm để phòng chống Covid và đẩy nhanh CĐS nhằm phát triển nhanh chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Chỉ cần chúng ta hãy coi Covid chính là cơ hội trăm năm cho CĐS. Sau Covid, chúng ta sẽ thấy quê hương mình trở thành một xã hội khác, một xã hội được số hoá toàn diện. Và đây là món quà của Covid.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng