Khát vọng của Viettel trên thị trường an ninh mạng

21/02/2022

Tốc độ vượt trung bình thế giới

Tháng 5/2021, thông tin cá nhân của 10.000 người Việt Nam bị rao bán trên mạng, bao gồm nhiều dữ liệu quan trọng như tên, ngày sinh, email, điện thoại, CMT/CCCD. Trong năm, các cuộc tấn công vào hệ thống công nghệ của các ngân hàng lớn liên tiếp xảy ra. Tin nhắn giả mạo ngân hàng do kẻ xấu gửi đến khách hàng nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thống kê, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2021, đã có 6.156 cuộc tấn công mạng gây ra thiệt hại tới các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 30,15% so với cùng kỳ năm 2020.

“Do giãn cách xã hội, các hoạt động trên môi trường online được thúc đẩy. Trước đây, các cuộc tấn công mạng nhằm vào công cụ làm việc trực tuyến ít xảy ra nhưng nay, do các công cụ này được dùng nhiều hơn nên trở thành mục tiêu tấn công trục lợi”, ông Nguyễn Xuân Nam, Giám đốc chiến lược của Công ty An ninh mạng Viettel, đơn vị phụ trách lĩnh vực an ninh mạng của Viettel, cho biết.

Tuy nhiên, ở góc độ ngược lại, đại diện Viettel cũng cho rằng, triển vọng phát triển của thị trường an toàn thông tin mạng Việt Nam sẽ rất lớn.

Khát vọng của Viettel trên thị trường an ninh mạng

Báo cáo tình hình an toàn thông tin Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 do Viettel thống kê, thị trường an toàn thông tin toàn cầu đạt 162,5 tỷ USD vào năm 2020 với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR 2020 - 2025) khoảng 12,5%, dự kiến đạt 418,2 triệu USD vào năm 2028. Trong đó, thị trường Việt Nam có tốc độ tăng trưởng CAGR khoảng 16,9% - cao hơn hẳn mức trung bình thế giới.

Khi các vấn đề về an toàn thông tin mạng xảy ra ngày càng nhiều, nhu cầu của thị trường cũng ngày càng lớn. Số liệu của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho thấy, thị trường an toàn thông tin mạng của Việt Nam đang có mức độ tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu. Nếu như năm 2016, quy mô toàn thị trường chỉ là 400 tỷ đồng thì 5 năm sau, vào 2021, con số đã lên tới 2.300 tỷ đồng.

Xu hướng quan tâm tới an ninh mạng của doanh nghiệp cũng gia tăng với khoảng hơn 87% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tăng đầu tư vào an ninh mạng. 39% trong số này tăng hơn 5%.

An toàn thông tin đang thu hút nguồn nhân lực trẻ

Theo số liệu từ Cục An toàn thông tin, nếu như 2015, tỷ lệ chủng loại sản phẩm an toàn thông tin, an ninh mạng của Việt Nam chỉ chiếm 5%, thì đến năm 2020 con số này đã đạt 91% và 2021 ước đạt 100%. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh thu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam so với sản phẩm nước ngoài tăng từ 18% (2015) lên 45% (2020), năm 2021 ước đạt hơn 50%.

“5 - 7 năm trước, 100% khách hàng tại Việt Nam sử dụng dịch vụ an toàn thông tin của nước ngoài. Nhưng nay, nhận thức của họ đã thay đổi sau khi trải nghiệm và thấy rằng, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể cung cấp dịch vụ này rất tốt”, ông Nguyễn Xuân Nam, cho biết.

Công ty An ninh mạng Viettel hiện đang giữ vị trí hàng đầu về thị phần an ninh mạng trong nước. Mới đây, doanh nghiệp này được vinh danh là Công ty An ninh mạng xuất sắc nhất châu Á trong top doanh nghiệp có 100-500 lao động.

Lợi thế đặc biệt của Công ty An ninh mạng Viettel là chất lượng nhân sự. Các chuyên gia bảo mật tại đây đã 2 lần xuất sắc giành chiến thắng tại Pwn2Own - cuộc thi tấn công mạng uy tín và lớn nhất thế giới. Viettel cũng tập hợp được những nhân sự nằm trong top 20 các chuyên gia an ninh mạng theo xếp hạng của Microsoft.

Đa số các chuyên gia này được Viettel “nuôi” từ khi còn là sinh viên năm thứ 3. Hàng năm, Viettel đều tổ chức các cuộc thi tìm kiếm tài năng cho sinh viên công nghệ tại Việt Nam và ASEAN. Đồng thời, Viettel cũng tạo ra môi trường nghiên cứu chủ động, thoải mái và tôn trọng khả năng sáng tạo, nghiên cứu của cá nhân.

Hoạt động trong một lĩnh vực biến động, phát triển theo từng giây, chiến lược của Viettel là xây dựng đội ngũ kế cận thật nhanh, thật nhiều.

Khát vọng của Viettel trên thị trường an ninh mạng

“Lĩnh vực an ninh mạng có nhiều loại hình, nhiều mảng. Chúng tôi không có quan điểm “người giỏi phải làm nhiều thứ”, chỉ cần mỗi người tập trung vào vấn đề họ giỏi nhất. Họ sẽ tự bồi dưỡng, phát triển thế mạnh của chính mình và dẫn dắt cho các bạn trẻ hơn. Như vậy mình vừa tạo ra được cộng đồng kết nối ra bên ngoài, vừa tạo ra thế hệ kế cận nhanh hơn”, ông Nguyễn Xuân Nam chia sẻ.

Ông Nam cũng đánh giá, thị trường an toàn thông tin phát triển sẽ tạo ra làn sóng tìm hiểu, học hỏi về an toàn thông tin của thế hệ trẻ - nguồn nhân tài tương lai của các công ty an ninh mạng.

Tham vọng với thị trường toàn cầu

Đội ngũ nhân sự chất lượng cao cho phép Viettel đảm nhiệm vai trò doanh nghiệp chủ lực về an toàn thông tin tại Viettel cũng như tiên phong tiến ra thế giới. Hiện nay, khách hàng của VCS không chỉ là các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước hay tập đoàn lớn hàng đầu Việt Nam mà bao gồm cả tập khách hàng nước ngoài.

Khát vọng của Viettel trên thị trường an ninh mạng

Theo ông Nguyễn Xuân Nam, khi VCS cung cấp dịch vụ an toàn thông tin cho một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất Nam Phi, khách hàng không khỏi bất ngờ khi tốc độ hoàn thành cũng như chất lượng dịch vụ VCS vượt quá mong đợi của họ.

Ông Nam cho rằng, trình độ an toàn thông tin của Việt Nam có thể sánh ngang với các cường quốc lớn trên thế giới về công nghệ thông tin như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Với các nhân sự chất lượng, trong tương lai gần, Việt Nam hoàn toàn có thể tự chủ về công nghệ, cung ứng, đảm bảo về an toàn thông tin, không cần nhập khẩu từ nước ngoài.

Trong hệ sinh thái chuyển đổi số của Viettel, trong quá trình nghiên cứu, những người làm an toàn thông tin cũng cung cấp các tri thức về an toàn thông tin cho các bộ phận phát triển phần mềm, giải pháp để tạo ra các ứng dụng tốt hơn. Điều đó giúp giải quyết vấn đề lớn là bảo vệ cuộc sống của người dân trên môi trường mạng.

Với “cánh chim đầu đàn” như Viettel, Việt Nam đang là một trong số ít quốc gia đã xây dựng được hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng nội địa, có thể tự chủ về công nghệ và giải pháp an toàn, an ninh mạng.

Minh Ngọc