Việt Nam thắng lớn trong “trận chiến” với cuộc gọi lừa đảo, cuộc gọi rác

23/07/2021
Trong 6 tháng đầu năm 2021, các nhà mạng đã chặn hơn 92.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, hơn 35 triệu cuộc gọi giả mạo, qua đó góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội và quyền lợi cho người tiêu dùng.

Gần 200.000 thuê bao bị xử lý trong “trận chiến” cuộc gọi rác

Tương tự như các nước trên thế giới, kể cả các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, tại Việt Nam những năm gần đây tình trạng cuộc gọi giả mạo, cuộc gọi rác hiện đang có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, đã xuất hiện hình thức gọi quảng cáo tự động (robocall) gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, quyền lợi của người dân.

Trước thực trạng trên, từ tháng 7/2020, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin & Truyền thông) đã yêu cầu các nhà mạng nghiêm túc triển khai các giải pháp truyền thông và kỹ thuật để ngăn chặn cuộc gọi giả mạo, cuộc gọi rác quấy rối người tiêu dùng. Việc chặn lọc cuộc gọi rác căn cứ theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định số 91/2020/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

Việt Nam thắng lớn trong “trận chiến” với cuộc gọi lừa đảo, cuộc gọi rác
Quy trình xử lý cuộc gọi rác. 

Theo đó, các nhà mạng đã áp dụng thuật toán dự đoán trên hạ tầng dữ liệu lớn (Big Data) và công nghệ học máy đối với tất cả các cuộc gọi nội và ngoại mạng. Từ dữ liệu về hành vi, đặc điểm cuộc gọi (không bao gồm các thông tin riêng tư), thông tin phản ánh qua tổng đài 5656 và ý kiến phản hồi của người dùng, nhà mạng sẽ xác định đâu là hành vi phát tán cuộc gọi rác.  

Trong trường hợp bị xác định là cuộc gọi rác, thuê bao thực hiện hành vi phát tán cuộc gọi sẽ bị xử lý bằng cách khóa chiều gọi đi đối với thuê bao nội mạng và khóa chiều gọi đến đối với thuê bao liên mạng.

Tính đến hết tháng 6/2021, các nhà mạng đã ngăn chặn hơn 181.000  thuê bao phát tán cuộc gọi rác. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2021 đã ngăn chặn hơn 92.000 thuê bao. 

Việt Nam thắng lớn trong “trận chiến” với cuộc gọi lừa đảo, cuộc gọi rác
Sau khi phát sinh cuộc gọi nghi ngờ là cuộc gọi rác, hệ thống của các nhà mạng sẽ nhắn tin để thu thập ý kiến phản hồi từ phía người dùng. Ảnh: Trọng Đạt

Số lượng phản ánh của người dân về cuộc gọi rác qua đầu số 5656 tăng trung bình từ 13-15%/tháng. Điều này cho thấy sự quan tâm, hưởng ứng của người dân đối với các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi rác.

Đại diện Cục Viễn thông cho biết, số cuộc gọi rác bị phát tán và số thuê bao bị ảnh hưởng có xu hướng giảm rõ rệt so với cuối năm 2020, thời điểm bắt đầu thống kê chỉ số này. 

Theo số liệu tháng 6/2021, chỉ có khoảng 8,4 triệu cuộc gọi rác, giảm 31,9% so với tháng 12/2020 với hơn 5.4 triệu thuê bao bị ảnh hưởng, giảm 23,5% so với tháng 12/2020.

Cuộc gọi giả mạo công an, viện kiểm sát, ngân hàng giảm 75%

Việt Nam đã áp dụng triệt để các khuyến nghị của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), kết hợp cùng việc phân tích thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo để tiến hành các biện pháp nhằm ngăn chặn cuộc gọi giả mạo.

Theo đó, Cục Viễn thông đã hướng dẫn các nhà mạng xây dựng Hệ thống phát hiện và ngăn chặn cuộc gọi giả mạo. Vai trò của hệ thống này là bảo đảm ngăn chặn tối đa các cuộc gọi giả mạo đến thuê bao viễn thông của Việt Nam.

Các đối tượng lừa đảo thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hòng lọt qua hệ thống ngăn chặn. Thế nhưng, tính đến tháng 6/2021, các doanh nghiệp viễn thông đã ngăn chặn hơn 56,65 triệu cuộc gọi giả mạo. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2021 đã chặn hơn 35 triệu cuộc gọi giả mạo. 

Việt Nam thắng lớn trong “trận chiến” với cuộc gọi lừa đảo, cuộc gọi rác
Các cuộc gọi lừa đảo mạo danh cơ quan, tổ chức đã giảm rõ rệt thời gian gần đây. 

Qua theo dõi của Cục Viễn thông, số lượng đề nghị phối hợp cung cấp thông tin về các vụ lừa đảo qua điện thoại từ cơ quan cảnh sát điều tra đã giảm khoảng 75% so với trước khi triển khai ngăn chặn cuộc gọi giả mạo. Đây là những minh chứng cho thấy các biện pháp này đã góp phần bảo vệ người sử dụng dịch vụ viễn thông và trật tự, an toàn xã hội.

Trong thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ chỉ đạo các nhà mạng tiếp tục nghiên cứu và cập nhật các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn cuộc gọi giả mạo, cuộc gọi rác. 

Cục Viễn thông cũng cho biết sẽ phối hợp với cơ quan công an để kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi giả mạo số điện thoại với mục đích lừa đảo.

Phải làm gì khi nhận được cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo?

Chất lượng và hiệu quả của giải pháp ngăn chặn cuộc gọi rác phụ thuộc nhiều vào tỷ lệ phản hồi từ phía người dùng. Do đó, cơ quan chức năng rất cần sự ủng hộ của người dân đối với việc ngăn chặn cuộc gọi rác.

Người dân có thể thực hiện điều này bằng cách phối hợp trả lời tin nhắn khảo sát sau mỗi cuộc gọi bị hệ thống nghi ngờ là cuộc gọi rác. Tin nhắn phản hồi về cuộc gọi rác sẽ hoàn toàn miễn phí.

Việt Nam thắng lớn trong “trận chiến” với cuộc gọi lừa đảo, cuộc gọi rác
Người dân nên chủ động nhắn tin phản ánh tới tổng đài 5656 mỗi khi nhận phải cuộc gọi rác. Ảnh: Trọng Đạt

Bên cạnh đó, khi nhận được cuộc gọi rác, người dân có thể chủ động phản ánh tới các cơ quan chức năng bằng việc nhắn tin tới đầu số 5656.

Theo Cục Viễn thông, người dân cần nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Đối với các cuộc gọi giả danh công an, viện kiểm sát, ngân hàng hoặc bưu điện để thông báo có quà, bưu kiện, bưu phẩm..., người dân tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào của đối tượng.

Khi gặp sự việc tương tự, người dân cần trình báo ngay cho cơ quan công an hoặc thông báo đến số điện thoại Trực ban hình sự 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) để được hướng dẫn kịp thời

Trọng Đạt

Cú pháp nhắn tin phản ánh cuộc gọi rác tới tổng đài 5656:
V [nguồn phát tán][nội dung cuộc gọi rác] gửi 5656 
Hoặc 
V (nguồn phát tán)(nội dung cuộc gọi rác) gửi 5656
Ví dụ: V (0987654321)(Cuộc gọi quảng cáo giới thiệu sản phẩm dịch vụ bất động sản của công y A) gửi 5656.
Hà Nội đề nghị khóa nhiều số điện thoại quảng cáo cho vay, hút bể phốt

Hà Nội đề nghị khóa nhiều số điện thoại quảng cáo cho vay, hút bể phốt

Đây là những số máy xuất hiện trên các biển quảng cáo, rao vặt sai quy định vốn gây nhức nhối với người dân Thủ đô.