Mỹ cáo buộc Trung Quốc phát triển “vũ khí điều khiển não bộ”

18/12/2021
Mỹ đã đưa Học viện Khoa học Quân y của Trung Quốc và 11 viện nghiên cứu công nghệ sinh học trực thuộc vào danh sách đen xuất khẩu vì cáo buộc giúp quân đội Trung Quốc phát triển vũ khí “điều khiển não bộ”.

Ngày 16/12, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa các viện nghiên cứu vào “danh sách thực thể” nhằm ngăn cấm các công ty của Mỹ xuất khẩu công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ cho các tổ chức Trung Quốc.

Liên quan đến vấn đề này, Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết: “Trung Quốc đang chọn sử dụng những công nghệ này để theo đuổi quyền kiểm soát người dân và đàn áp các thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo”.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc phát triển “vũ khí điều khiển não bộ”
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo. Ảnh: Reuters

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, Trung Quốc đang sử dụng các công nghệ sinh học mới nổi để cố gắng phát triển các ứng dụng quân sự trong tương lai bao gồm “chỉnh sửa gen, nâng cao hiệu suất của con người và giao diện máy tính – não”.

Michael Orlando, người đứng đầu Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia Mỹ (NCSC) gần đây cho biết, Mỹ đang cảnh báo các công ty về nỗ lực của Trung Quốc nhằm có được công nghệ của Mỹ trong 5 lĩnh vực then chốt, bao gồm cả công nghệ sinh học.

Ngày 16/12, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa DJI, nhà sản xuất máy bay không người lái thương mại lớn nhất thế giới và bảy nhóm khác vào danh sách “các công ty phức hợp công nghiệp-quân sự Trung Quốc” vì bị cáo buộc tham gia tạo điều kiện giám sát người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Các nhà đầu tư Mỹ bị cấm đầu tư vào bất kỳ nhóm nào trong số năm chục nhóm người Trung Quốc hiện nằm trong danh sách đen của Bộ Tài chính.

Các mục tiêu bao gồm Megvii và CloudWalk Technology, hai công ty phần mềm nhận dạng khuôn mặt và Dawning Information Industry, một nhà sản xuất siêu máy tính vận hành các dịch vụ điện toán đám mây ở Tân Cương.

Các công ty khác cũng được đưa vào danh sách đen của Mỹ bao gồm Xiamen Meiya Pico, một nhóm an ninh mạng làm việc với cơ quan thực thi pháp luật, Yitu Technology, một công ty trí tuệ nhân tạo (AI), Leon Technology, một công ty điện toán đám mây và NetPosa Technologies, một nhà sản xuất các hệ thống giám sát dựa trên đám mây.

Các hành động của Bộ Thương mại và Bộ Tài chính Mỹ là nỗ lực mới nhất của chính quyền Tổng thống Biden nhằm khiến quân đội Trung Quốc khó phát triển công nghệ có thể gây tổn hại đến an ninh quốc gia của Mỹ.

Ngày 16/12, Thượng viện Mỹ đã thông qua luật cấm các công ty Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ khu vực Tây Bắc trừ khi họ chứng minh được rằng không sử dụng lao động cưỡng bức. Nhà Trắng đã ủng hộ dự luật mà Hạ viện thông qua.

Ngoài các viện nghiên cứu của Trung Quốc, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa 22 nhóm người Trung Quốc khác vào danh sách thực thể. Một số đã được nhắm mục tiêu vì vai trò của họ trong việc phát triển cáp thông tin liên lạc dưới biển, vốn là trọng tâm của Trung Quốc.

Phan Văn Hòa (theo Nikkei)

Vì sao Thung lũng Silicon cần tới Trung Quốc để thành công?

Vì sao Thung lũng Silicon cần tới Trung Quốc để thành công?

Trung Quốc là một thị trường đầy tiềm năng cho các công ty công nghệ lớn của Mỹ. Nhưng điều đó ngày càng trở nên khó khăn khi có quá nhiều yêu cầu được đặt ra.