Lợi thế về chip nhớ của Samsung đang bị đe dọa?

06/08/2021
Giữa cuộc đua chip toàn cầu, thông tin Micron và SK hynix đã phát triển chip nhớ tiên tiến nhất và sẵn sàng ra mắt thị trường làm dấy lên lo ngại rằng Samsung có thể mất lợi thế dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình.

Chip nhớ được xem là trụ cột chính của gã khổng lồ bán dẫn Samsung, lĩnh vực này đã chiếm gần 70% doanh thu của công ty và chiếm khoảng 70% tổng lợi nhuận hoạt động mà 10 công ty bán hàng hàng đầu của Hàn Quốc kiếm được.

Trong khi Samsung giữ im lặng về những tiến bộ công nghệ hoặc kế hoạch đầu tư mới, các đối thủ nhỏ hơn SK hynix và Micron lần lượt công bố phát triển các công nghệ và sản phẩm mới như RAM thế hệ mới DDR5 và bộ nhớ NAND flassh 176 lớp vào năm ngoái.

Lợi thế về chip nhớ của Samsung đang bị đe dọa?
Lợi thế về chip nhớ của Samsung đang bị đe dọa?

SK hynix cũng đi trước Samsung khi công bố DRAM thế hệ thứ tư, 10 nm vào tháng trước. Các đối thủ khác như Intel của Mỹ và TSMC của Đài Loan cũng đã gây xôn xao dư luận khi công bố các kế hoạch đầu tư mới của mình.

Sự im lặng của Samsung được coi là dấu hiệu cho thấy gã khổng lồ công nghệ của Hàn Quốc đang không đáp ứng được những thách thức đối đầu trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, trong thời điểm mà nhà lãnh đạo Lee Jae-yong của Samsung đang phải ngồi tù.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo thu nhập quý 2 diễn ra vào tháng trước, Samsung cũng đã tiết lộ kế hoạch sản xuất hàng loạt chip thế hệ mới High-K DDR5 và chip NAND 176 lớp kép đầu tiên trong ngành công nghiệp bán dẫn vào nửa cuối năm nay.

“Hiện tại, công ty đang nghiên cứu hiệu quả của chiều cao ngăn xếp và hiệu quả chi phí của DDR5”, Han Jin-man, Phó Giám đốc điều hành kinh doanh bộ nhớ tại Samsung cho biết.

Mặc dù Samsung không phải là công ty đầu tiên công bố sự ra mắt của DDR5, nhưng họ đã thể hiện sự tự tin vào thành tựu tích hợp mô-đun DDR5 với tiêu chuẩn kết nối tiên tiến có thể cung cấp cho khách hàng tốc độ cao hơn và độ trễ thấp hơn trong giao tiếp giữa các bộ vi xử lý trong thiết bị.

Về sự chuyển đổi muộn màng của Samsung sang chip NAND thế hệ tiếp theo, ông Han Jin-man nói: “Công nghệ khắc 128 lớp của công ty được thị trường công nhận rộng rãi là cấp độ hàng đầu của ngành công nghiệp bán dẫn và với công nghệ đó, Samsung có khả năng sản xuất bất kỳ sản phẩm nào theo yêu cầu của khách hàng”.

Trong quý 2 năm nay, mảng kinh doanh di động và điện tử tiêu dùng của Samsung ghi nhận doanh thu đáng nể. Mảng điện thoại thông minh đạt doanh số 22,67 nghìn tỷ won (19,83 tỷ USD), trong khi mảng điện tử tiêu dùng đạt 13,4 nghìn tỷ won (11,72 tỷ USD).

Doanh thu trong lĩnh vực bán dẫn của công ty là 22,74 nghìn tỷ won (19,89 tỷ USD) trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6.

Trong phần đưa tin về thu nhập quý 2 của Samsung, tờ Wall Street Journal đã báo cáo rằng nhà sản xuất chip Hàn Quốc đã vượt qua Intel để trở thành nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới về doanh thu. Samsung đã nắm giữ vị trí này một thời gian ngắn trong năm 2017 và 2018. Doanh thu quý 2 của Intel chỉ đạt 18,5 tỷ USD.

Hiện tại, Samsung dường như biết phải tập trung vào điều gì, nhưng vẫn còn phải xem liệu chiến lược này có hiệu quả trong cuộc cạnh tranh chip gay gắt về lâu dài hay không, các chuyên gia cho biết.

“Doanh thu quý 2 của Samsung chỉ cho biết thị trường bộ nhớ đang ở thời điểm bùng nổ và Samsung biết mình đang hướng đến đâu,” một người trong ngành công nghiệp bán dẫn cho biết thêm.

Một quan chức của Samsung cho biết: “Điều thúc đẩy doanh số bán hàng của Samsung là chip DDR4 và NAND 128 lớp trong nửa đầu năm nay và chúng sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy doanh số bán hàng của công ty trong suốt cả năm. Sẽ mất thêm một thời gian nữa để chứng kiến thị trường chuyển sang DDR5 và NAND 176 lớp”.

Một người trong ngành công nghiệp bán dẫn cho rằng: “So sánh giữa Samsung và Intel không mang nhiều ý nghĩa, vì Samsung và Intel kinh doanh ở các mảng hoàn toàn khác nhau”.

Trong khi những sản phẩm đóng góp chính vào doanh thu quý 2 của Samsung là DRAM DDR4 và NAND 128 lớp thế hệ 6 thì doanh thu chính của Intel là bộ xử lý dành cho máy tính, bao gồm Intel Core thế hệ thứ 11 với đồ họa Iris Xe và Xeon W-11000.

Intel đã đạt mức tăng trưởng 47% trong lĩnh vực kinh doanh internet vạn vật, củng cố vị trí của mình trong lĩnh vực phi bộ nhớ.

Mảng kinh doanh hệ thống trên chip (SoC) của Samsung vẫn chưa đủ lớn để so sánh với Intel, ước tính khoảng dưới 5 nghìn tỷ won (4,37 tỷ USD).

Các nhà theo dõi thị trường cho biết, doanh số bán bộ nhớ chiếm gần 80% tổng doanh thu bán dẫn tại Samsung, với doanh số bán DRAM ước tính đạt 10,9 nghìn tỷ won (9,53 tỷ USD) và doanh số NAND là 7 nghìn tỷ won (6,12 tỷ USD).

Phan Văn Hòa(theo Koreaherald)

Nhiều quốc gia đang thúc đẩy sản xuất chip riêng vì an ninh quốc gia

Nhiều quốc gia đang thúc đẩy sản xuất chip riêng vì an ninh quốc gia

Một nhà phân tích tại công ty phân tích thị trường Moody’s Analytics (Mỹ) cho biết, ngày càng có nhiều quốc gia đang thúc đẩy sản xuất chip bán dẫn của riêng họ vì vấn đề an ninh quốc gia.