Kiều bào góp ý TP.HCM chuyển đồi số, xây dựng đô thị thông minh

14/12/2021
Theo các kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, TP.HCM với vai trò đầu tầu kinh tế nên xây dựng xã hội số ngay tại đây, với mục tiêu thực hiện cùng một lúc xây dựng thành phố thông minh, thành phố chuyển đổi số, thành phố xã hội số.

Chiều 14/12, UBND TP.HCM đã tổ chức buổi gặp gỡ người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến cho sự phát triển bền vững của TP.HCM với chủ đề: “TP.HCM trở lại bình thường mới hậu Covid-19…”

Thay mặt lãnh đạo và nhân dân TP.HCM, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan gửi lời cảm ơn trân trọng đến các kiều bào dự hội nghị.

Kiều bào góp ý TP.HCM chuyển đồi số, xây dựng đô thị thông minh
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại buổi gặp gỡ

Ông cho biết, dịch Covid-19 trong suốt 2 năm qua đã để lại biết bao đau thương, mất mát, gây ra thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế của nước nhà nói chung và TP.HCM nói riêng.

“Trong khó khăn, chúng ta càng thấy được và hiểu rõ hơn về tình dân tộc, nghĩa đồng bào cũng như cảm nhận được sợi dây vô hình về tinh thần đoàn kết luôn luôn tồn tại, và nhất là trong hoàn cảnh hiện nay đã thắt chặt, gắn kết hơn nữa người Việt ta trong và ngoài nước”, lời ông Hoan.

Thông tin với hội nghị, ông Hoan cho hay, xuyên suốt thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra, nhiều tổ chức cá nhân kiều bào ủng hộ với số tiền trị giá từ chục triệu, đến hàng trăm, hàng tỷ đồng...

Ủng hộ tiền, khẩu trang, thiết bị y tế, lương thực thực phẩm, các mặt hàng nông sản gồm rau, củ, quả... để phục vụ tuyến đầu và bà con nhân dân tại 21 quận, huyện và TP Thủ Đức.

Bên cạnh đó, thành phố cũng tiếp nhận rất nhiều kiến nghị, giải pháp ý nghĩa của quý kiều bào đóng góp trên nhiều lĩnh vực thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Theo ông, việc TP.HCM trở lại bình thường mới sẽ đối diện với nhiều vấn đề và cần đề ra các giải pháp thiết thực nhằm hồi phục nhanh nền kinh tế, đảm bảo an toàn xã hội và phát triển thành phố theo hướng bền vững, toàn diện.

“Tôi kỳ vọng buổi gặp gỡ hôm nay sẽ tiếp tục được lắng nghe ý kiến góp ý của đội ngũ chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào để chung tay phục hồi và phát triển thành phố một cách bền vững, toàn diện”, ông Hoan chia sẻ.

Ông Hoan cũng khẳng định, TP.HCM luôn trân trọng tình cảm và tin tưởng với sự gắn kết của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào hiến kế giúp thành phố trở thành thành phố đáng sống, văn minh, hiện đại và nghĩa tình.

Còn theo Sở KH-ĐT, hiện nay, thành phố chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”. Các hoạt động kinh tế - xã hội bắt đầu trở lại với nhịp độ sôi động; các chỉ tiêu kinh tế - xã hội có dấu hiệu dần phục hồi.

Về y tế, tiếp tục củng cố hệ thống y tế, rà soát, bổ sung cơ chế chính sách đặc thù để nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, y tế cộng đồng, hệ thống điều trị, đảm bảo thông suốt với quá trình khôi phục kinh tế và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Về xã hội, chăm lo an sinh xã hội cho người dân, nhất là nhóm lao động yếu thế; hỗ trợ kết nối cung, cầu lao động và giải quyết các vấn đề lao động, việc làm.

Nhất là về kinh tế, từng bước khôi phục hoạt động kinh tế-xã hội gắn với thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19.

Chuyển đổi số để xây dựng đô thị thông minh

Hội nghị đã nhận được 26 tham luận của các kiều bào, doanh nhân kiều báo góp ý, đề xuất các giải pháp giúp TP.HCM phục hồi kinh tế hậu Covid-19; phát triển bền vững và chuyển đổi số xây dựng đô thị thông minh.

Theo Giáo sư Đặng Lương Mô (Việt kiều Nhật Bản), vấn đề chuyển đổi số, xã hội số như là một “tất yếu lịch sử”, không một ai, một tổ chức, cơ quan, Nhà nước nào có thể né tránh được khi thảo luận về giai đoạn hậu Covid.

Theo giáo sư Đặng Lương Mô, TP.HCM với vai trò đầu tầu kinh tế nên xây dựng xã hội số ngay tại đây, với mục tiêu thực hiện cùng một lúc: thành phố thông minh, thành phố chuyển đổi số, thành phố xã hội số.

Kiều bào góp ý TP.HCM chuyển đồi số, xây dựng đô thị thông minh
Ngoài ghi nhận và tiếp thu góp ý của kiều bào về phát triển kinh tế, UBND TP.HCM cũng đã tổ chức tri ân kiều bào chung tay phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố

Còn theo GS.TS Vũ Minh Khương (người Việt Nam ở Singapore), nâng tầm quản trị với chiến lược phát triển bền vững trong thời đại số là bước đi đầu tiên, có tính quyết định để TP.HCM gia cường mạnh mẽ và sống động cả ba động lực phát triển trụ cột: Xúc cảm, Khai sáng và Kiến tạo.

Thành phố cần định vị chiến lược là địa phương đi hàng đầu và sâu rộng về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, và phát triển đô thị bền vững (đặc biệt là nhà ở xã hội, giao thông công cộng, y tế, môi trường và giáo dục).

Ông cũng gợi ý, thành phố Thủ Đức mới được thành lập, với dân số 1 triệu dân và diện tích hơn 200km2 có những điều kiện rất thuận lợi để trở thành một mô hình thí điểm của TP.HCM và của cả nước về đô thị hóa trong kỷ nguyên số và phát triển bền vững.

Giáo sư Hà Tôn Vinh (chuyên gia tài chính quốc tế, người Việt Nam ở Mỹ) cho rằng, thành phố và doanh nghiệp cần đẩy mạnh chủ trương, các chính sách số hóa thông tin và dịch vụ công ích. Gia tăng các chương trình và hoạt động chuyển đổi số, giúp đưa các dịch vụ công ích đến gần với mục tiêu chính quyền số. Đề ra các gói thầu chuyển đổi số để cho khu vực tư nhân đảm nhận và hoàn thành.

Theo giáo sư Vinh, thành phố phải thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, các chương trình đào tạo, mạnh dạn sử dụng công nghệ thông tin để giúp thành phố tiến dần đến thành phố thông minh, một nền kinh tế số.

TP.HCM cách ly tập trung với người đến từ các nước có biến thể Omicron

TP.HCM cách ly tập trung với người đến từ các nước có biến thể Omicron

UBND TP yêu cầu cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ các quốc gia xuất hiện biến thể Omicron (không cho phép cách ly tại nhà), bất kể đã tiêm vắc xin hoặc đã mắc Covid-19 trước đó.

Hồ Văn