Hậu Giang đẩy mạnh cải cách hành chính, nỗ lực chuyển đổi số

15/10/2021
Hậu Giang đẩy mạnh cải cách hành chính, nỗ lực chuyển đổi số
Trung tâm giám sát điều hành Đô thị thông minh là “bộ não” của Đô thị thông minh, giúp giám sát, điều hành tập trung các ứng dụng thông minh thông qua một nền tảng công nghệ chung.

Cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động quản lý nhà nước đã được tỉnh Hậu Giang đưa thành chiến lược phát triển quan trọng của tỉnh. Những hoạt động cụ thể về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính đã được tỉnh thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua.

Trong đó, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, gắn với xây dựng chính quyền điện tử được xem là “chìa khóa” giúp tỉnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Hiện toàn tỉnh đã đạt 100% tỷ lệ thực hiện một cửa, một cửa liên thông. Hậu Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ cải cách cơ bản thủ tục hành chính, nâng mức độ hài lòng của người dân và DN về thủ tục hành chính đạt mức trên 80%.

Kết quả giải quyết TTHC quý 3/2021 đạt tỷ lệ 97,1%

Hậu Giang đẩy mạnh cải cách hành chính, nỗ lực chuyển đổi số
 Chuyển giao tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính sang Bưu điện

Tính đến nay, Hậu Giang đã ban hành 12 quyết định công bố 291 TTHC, trong đó 238 TTHC ban hành mới, sửa đổi bổ sung và 53 TTHC bãi bỏ. Tất cả các TTHC đều được, cập nhật, niêm yết công khai theo quy định.

Trong quý III năm 2021, toàn tỉnh đã tiếp nhận 11.212 hồ sơ giải quyết TTHC,  hoàn thành giải quyết 11.817 hồ sơ, đạt 97,1%. Trong đó hồ giải quyết theo quy trình 5 tại tại chỗ đạt 5927/5933, đạt 99,9%. Trong tổng số 291 TTHC được công bố, tỷ lệ rà soát cắt giảm thời gian giải quyết TTHC đạt trên 30% và 662 TTHC không phát sinh hồ sơ.

Bên cạnh đó, hoạt động cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, cải các chế độ công vụ, cải cách tài chính công cũng được đẩy mạnh. Hậu Giang đã triển khai khá kịp thời các chính sách cải cách về thuế, thu nhập, tiền lương, tiền công, và các chính sách an sinh xã hội, thực hiện cơ chế tự chủ tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Kiện toàn nhiều quyết định bản lề về chuyển đổi số

Trên lộ trình xây dựng và thực hiện chủ trương theo “chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Hậu Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử, Cải cách hành chính và Chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang ban hành nhiều văn bản, quyết định, đề án, kế hoạch mang tính bản lề, mở đường cho việc đẩy mạnh quá trình ứng dụng công nghệ số, từng bước thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số.

Trong số đó có thể kể đến các văn bản như: quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chính quyền điện tử, cải cách hành chính và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang; phê duyệt Đề án vị trí việc làm của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang; dự án xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 – 2025;  Kế hoạch triển khai cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2021; Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số…

Tăng tốc xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh

Hậu Giang đẩy mạnh cải cách hành chính, nỗ lực chuyển đổi số
 Phát triển kinh tế số, xã hội số góp phần thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn với thành thị, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Theo ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Hậu Giang, tỉnh đã xác định 3 nhiệm vụ đột phá trong giai đoạn 2020 – 2025, trong đó nhiệm vụ thứ ba nêu rõ: “thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh kinh tế số; tăng cường ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội”.

Các nghị quyết cao nhất trong lộ trình thực hiện mục tiêu nhiệm vụ trên đã được tỉnh Hậu Giang ban hành, như: Nghị quyết về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 – 2025, với mục tiêu là đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của các cơ quan, đơn vị và địa phương, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo của Sở TT-TT cho biết, năm 2021, Hậu Giang đạt được một số kết quả tích cực trong việc ứng dụng CNTT phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử, bao gồm: triển khai Cổng Dịch vụ công trực tuyến, một cửa điện tử tại 18 sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và cấp xã. Số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 136; số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 1.260; số dịch vụ công trực tuyến đã tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia là 622; số lượng hồ sơ trực tuyến phát sinh đến ngày 30/9/2021 là 15.169 hồ sơ.

Hậu Giang đẩy mạnh cải cách hành chính, nỗ lực chuyển đổi số
Ông Lã Hoàng Trung - Giám đốc Sở TT-TT Hậu Giang trình bày đề tài “Nghiên cứu xây dựng mạng lưới các thiết bị IoT của tỉnh Hậu Giang phục vụ phát triển Chính quyền điện tử và đô thị thông minh”, ngày 17/9/2021.

Hệ thống quản lý văn bản cũng được triển khai tại 458 đơn vị trong tỉnh, với hơn 5.922 người tham gia. Hệ thống thư điện tử công vụ được sử dụng cho 10.524 tài khoản cán bộ công chức, viên chức và tài khoản cho hệ thống xác thực tập trung sử dụng cho các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh. Ứng dụng di động Hậu Giang (Hậu Giang App) cũng có số lượng lớn sử dụng, tải về 31.000 lượt với hơn 500 tài khoản cán bộ đăng nhập.

Cổng thông tin điện tử của tỉnh có lượt truy cập trung bình hàng ngày khá cao, 8.900 lượt. Hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội đang được triển khai thí điểm cho các sở, ban, ngành sử dụng. Hệ thống này đã kết nối với hệ thống báo cáo của Chính phủ và đang phối hợp các sở ngành xác định bộ chỉ tiêu để chuyển dữ liệu về hệ thống báo cáo của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Hậu Giang cũng nâng cấp hạ tầng CNTT cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, mở rộng hệ thống hội nghị trực tuyến của tỉnh đến cấp xã, xây dựng và nâng cấp các nền tảng dùng chung, mở rộng, nâng cấp Cổng dịch vụ công trực tuyến…

Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Hậu Giang đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ nhằm nâng cao khả năng quản lý của cơ quan nhà nước, đồng thời thuận tiện cho người dân, như: nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào Tỉnh bằng mã QR, nền tảng quản lý tiêm chủng, nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến, xây dựng bản đồ Covid-19 trên giao diện website và tích hợp trên trên app Hậu Giang.

Trong hoạt động giám sát, điều hành đô thị thông minh của mình, Hậu Giang tiếp tục nâng cấp, quản lý và vận hành Trung tâm Dữ liệu, Cổng Thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công, Quản lý văn bản, Hệ thống thư điện tử công vụ, Hệ thống ứng dụng di động Hậu Giang App…; Triển khai ứng dụng nền tảng thanh toán trực tuyến quốc gia tại tỉnh Hậu Giang (PayGov), triển khai và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị về quy trình sử dụng biên lai điện tử trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống Một cửa điện tử; Triển khai và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị quy trình xử lý thanh toán thực hiện nghĩa vụ đất đai trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia… và nhiều hoạt động khác.

Với sự nỗ lực vào cuộc của chính quyền các cấp, công cuộc chuyển đổi số nền hành chính trên cả nước nói chung và ở Hậu Giang nói riêng sẽ góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước, giúp chính quyền các cấp có đủ năng lực để vận hành nền kinh tế số, xã hội số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân.

H.S