Cuộc sống mới của thợ đào Bitcoin Trung Quốc

14/09/2021
Sau lệnh cấm của Trung Quốc, nhiều thợ đào Bitcoin đã rời khỏi nước này để tìm trang trại mới, tập trung nhiều ở Mỹ. Hoạt động khai thác dần trở nên ổn định.

Giữa tháng 5, lệnh cấm khai thác Bitcoin và các giao dịch tiền mã hóa của Trung Quốc được ban hành, thị trường coin có đợt sập giá mạnh. Nhiều trang trại đào Bitcoin ở Trung Quốc phải bán tháo "trâu cày" và ngừng hoạt động.

Số còn lại vận chuyển máy đào sang nước khác để tiếp tục khai thác. Phần lớn trang trại "di cư khai thác" sang Mỹ và việc đào Bitcoin dần ổn định trở lại.

Trung tâm khai thác mới

CoinTelegraph cho biết Trung Quốc, mỏ đào Bitcoin lớn nhất thế giới bắt đầu bị giảm thị phần khai thác trên toàn cầu từ trước lệnh cấm vào tháng 5. Theo nghiên cứu của Trung tâm Tài chính Thay thế Cambridge về việc khai thác Bitcoin, Trung Quốc dần trở nên kém thu hút các nhà đầu tư tiền mã hóa hơn. Đây có thể do chính sách khắt khe của chính phủ nước này.

Tuy vậy, thị phần khai thác Bitcoin của quốc gia này vẫn ở mức cao, chiếm đến khoảng 46% thị phần toàn cầu. Giám đốc điều hành của Huobi Pool, Fei Cao cho rằng các thợ đào sẽ dần di chuyển sang khu vực Bắc Mỹ.

“Năm nay, xu hướng chính của khai thác tiền mã hoá là tăng cường tuân thủ quy định và yêu cầu vốn. Hai xu hướng này có vẻ phù hợp hơn ở khu vực Bắc Mỹ, nơi việc khai thác cần hợp pháp theo quy định của địa phương.”, Fei Cao nhận định.

Tho dao Bitcoin on dinh voi trang trai moi anh 1

Trung Quốc từng là trung tâm khai thác Bitcoin của thế giới. Ảnh: Getty Images.

Theo CoinTelegraph, thị phần khai thác Bitcoin của Mỹ đã tăng gấp bốn lần, từ 4,1% lên 16,8%. Trong những năm qua, Mỹ đã xây dựng các trang trại từ khá lâu, ngay cả khi thị trường tiền mã hóa sụt giảm nghiêm trọng sau lệnh cấm của Trung Quốc. Đồng thời, các trang trại khai thác Bitcoin của Mỹ vẫn tích cực đào coin khi thị trường rơi vào "mùa đông tiền mã hóa".

Ngoài ra, Mỹ cũng có một số nguồn năng lượng rẻ nhất trên toàn cầu cùng nhiều nguồn điện tái tạo. Hơn nữa, nhiều nhà đầu tư người Mỹ cũng quan tâm đến việc hợp tác với các thợ mỏ. Trong một cuộc họp gần đây ở Texas, các giám đốc điều hành dầu khí của Mỹ đã đề xuất các thợ mỏ sử dụng khí tự nhiên để tạo ra điện.

Khai thác tiền mã hóa có thực sự ảnh hưởng đến Trung Quốc?

Sau lệnh cấm khai thác Bitcoin, nhiều công ty khai thác lớn như Huobi, BTC.TOP và HashCow đã tạm dừng hoạt động. Nhà sản xuất máy đào nổi tiếng, Bitmain cũng ngưng cung cấp "trâu cày" Bitcoin khi giá đồng tiền mã hóa này giảm sâu.

Chính phủ Trung Quốc cho rằng việc khai thác Bitcoin gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Tuy vậy, theo CoinTelegraph, động cơ chính của việc ban bố lệnh cấm các giao dịch Bitcoin là để quảng bá đồng tiền mã hóa Nhân dân tệ (eCNY) của ngân hàng Trung ương Trung Quốc (CBDC).

Tho dao Bitcoin on dinh voi trang trai moi anh 2

Hình ảnh bên trong một trang trại đào coin. Ảnh: Getty Images.

Hiện nay, đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số đã được người dân sử dụng rộng rãi. Cuối tháng 6, hành khách đi tàu điện ở Bắc Kinh có thể dùng đồng tiền này để mua vé. Ngoài ra, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc đã chấp nhận quy đổi từ tiền số sang tiền mặt vào giữa tháng 6.

CoinTelegraph cho rằng chính phủ Trung Quốc muốn trấn áp các đối thủ cạnh tranh với ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Năm 2020, đợt phát hành cổ phiếu của tập đoàn Ant Financial đã bị trì hoãn do chính quyền Trung Quốc lo ngại rằng hệ thống thanh toán Alipay sẽ cạnh tranh với đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số.

Theo Zing/CoinTelegraph

“Cá mập” Bitcoin tỉnh giấc đe dọa thị trường tiền mã hóa?

“Cá mập” Bitcoin tỉnh giấc đe dọa thị trường tiền mã hóa?

Một ví chứa lượng Bitcoin khổng lồ vừa bất ngờ hoạt động trở lại sau nhiều năm không sử dụng. Thông tin này sẽ ít nhiều gây nên tâm lý lo ngại đối với thị trường Bitcoin.