Chuyển đổi IPv6 - tài nguyên phát triển hạ tầng số ở Việt Nam

04/06/2021

Tài nguyên số trong hành trình chuyển đổi số

Theo đại diện VNNIC, tài nguyên số trong lĩnh vực Internet là: tên miền quốc gia Việt Nam .vn, địa chỉ IP (IPv4, IPv6), số hiệu mạng (ASN). Theo đó, sự hiện diện, giao tiếp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên môi trường số gắn với hình ảnh website dưới tên miền .vn, kết nối, giao tiếp bằng địa chỉ số IP.

Địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 là địa chỉ số, tài nguyên số nhằm “thay chân” IPv4. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định, phát triển sử dụng tài nguyên số là một trong những giải pháp phát triển hạ tầng số, trong đó nêu rõ: “chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6)”; “dịch vụ trực tuyến của các cơ quan Nhà nước, báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, giáo dục, y tế, thương mại điện tử của Việt Nam sử dụng tên miền quốc gia (.vn)”

Chuyển đổi IPv6 - tài nguyên phát triển hạ tầng số ở Việt Nam
 Vai trò của tài nguyên số trong phát triển hạ tầng số quốc gia

IPv6 - điều kiện cho Internet thế hệ mới, phát triển hạ tầng số

Đại diện VNNIC phân tích: “Do Internet phát triển quá nhanh với các loại hình dịch vụ và phương thức kết nối mạng tiêu tốn địa chỉ, kể từ năm 2011, IPv4 đã cạn kiệt ở phạm vi toàn cầu. Địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 được lần đầu giới thiệu vào tháng 7/1994. Trải qua lộ trình phát triển, hoàn thiện, đến nay IPv6 được ứng dụng rộng rãi trong hoạt động Internet, thay thế nguồn IPv4 và ngày càng khẳng định vai trò nền tảng vững chắc cho hoạt động của Internet thế hệ tiếp theo, với các yêu cầu cao về công nghệ, tính năng dịch vụ, phục vụ cho xu thế chuyển đổi số”.

Chuyển đổi IPv6 - tài nguyên phát triển hạ tầng số ở Việt Nam

Hiện nay, IPv6 đã được triển khai thành thục trong hoạt động Internet. Liệu câu chuyện chuyển đổi ứng dụng IPv6 đã đến “điểm kết” đối với những quốc gia, khu vực có mức độ ứng dụng IPv6 tốt trong hoạt động mạng và các dịch vụ sử dụng IP thông thường? Câu trả lời của đại diện VNNIC là “Chưa đủ”. Theo đó, ứng dụng IPv6 để làm nền tảng cho công nghiệp IP thế hệ thứ hai là sự hoàn thiện theo xu thế công nghệ của 2020 và những năm sắp tới.

Đại diện VNNIC cho biết, với chuyển đổi số và IoT, dự báo số lượng thiết bị tham gia kết nối Internet sẽ vượt quá 100 tỷ trong kỷ nguyên 5G và đám mây. Khi đó, IPv6 là một thành phần cơ bản để giải quyết sự “tiến hóa” vượt bậc, giải quyết vấn đề không đủ địa chỉ IP.

Bên cạnh đó, các dịch vụ mới như: phương tiện giao thông tự lái, tự động hóa công nghiệp, thực tế ảo VR, chăm sóc sức khỏe thông minh, cloud… đều đòi hỏi yêu cầu kết nối lớn, chất lượng cao và nhanh hơn, có yêu cầu cao hơn về tự động hóa mạng, trí thông minh và việc kết nối dự đoán trải nghiệm người dùng. Đối với những yêu cầu đó, IPv6 đáp ứng đủ đặc tính cần thiết để kết hợp thêm với các công nghệ khác như trí tuệ nhân tạo (Al). Sự kết hợp này nhằm tạo ra các mạng IP thông minh thế hệ mới cho kỷ nguyên 5G và đám mây (ngôn ngữ công nghệ gọi là mạng “IPv6 +”), với sự đột phá trong: tự động tối ưu định tuyến, dịch vụ; tự động vận hành và bảo dưỡng; tự động tối ưu hóa chất lượng, đảm bảo SLA, nhận thức về ứng dụng.

Cùng với đó, IPv6 đã được thiết kế mặc định và bắt buộc trong các dịch vụ 5G, IoT và được xác định cùng với trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tạo nên thế hệ mạng thông tin mới (IPv6+) cho kỷ nguyên của 5G và cloud.

Hạ tầng số Việt Nam sẵn sàng IPv6

Để phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia, thì hạ tầng số là yếu tố quan trọng. Đại diện VNNIC khẳng định: “Hạ tầng số Việt Nam cơ bản sẵn sàng với thế hệ địa chỉ Internet IPv6. Hạ tầng mạng Internet quốc gia và hạ tầng mạng doanh nghiệp đã hoạt động tốt, ổn định trên nền tảng Hệ thống máy chủ tên miền DNS quốc gia “.vn” và Trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia (VNIX), hạ tầng mạng doanh nghiệp”.

Địa chỉ IPv6 được Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Cơ quan quản lý tài nguyên Internet ở Việt Nam thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, lần đầu giới thiệu vào năm 2004. Để đảm bảo sự phát triển của hoạt động Internet Việt Nam, trong giai đoạn 2008 - 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai các kế hoạch, hoạt động thúc đẩy chuyển đổi ứng dụng thế hệ địa chỉ Internet mới IPv6 trên mạng lưới và dịch vụ, nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định của hoạt động mạng và dịch vụ Internet Việt Nam, bắt kịp xu thế mới về công nghệ.

Cột mốc chính thức đánh dấu chủ trương thúc đẩy sử dụng IPv6 ở Việt Nam là Chỉ thị số 03/2008/CT-BTTTT về việc thúc đẩy sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6, ngày 6/5/2008, do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Sau đó, ngày 6/1/2009, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia được thành lập để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, hoạch định chiến lược phát triển và ứng dụng IPv6, xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai và theo dõi, điều phối hoạt động chuyển đổi IPv4 sang IPv6 ởViệt Nam.

Với mục tiêu tổng thể l “Internet Việt Nam hoạt động an toàn, tin cậy với địa chỉ IPv6 kể từ 2019”, trong suốt giai đoạn 2011 - 2019, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia (Ban Công tác) đã cùng các đơn vị, doanh nghiệp triển khai nhiệm vụ bám sát nội dung, lộ trình của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, triển khai nhiều hoạt động thiết thực để chuyển đổi Internet Việt Nam từ IPv4 sang IPv6 một cách an toàn.

Chuyển đổi IPv6 - tài nguyên phát triển hạ tầng số ở Việt Nam

Tính đến tháng 3/2021, tỷ lệ sử dụng IPv6 trên Internet Việt Nam đạt 44%, đứng thứ 2 ASEAN và thứ 10 toàn cầu (công bố bởi Tổ chức quản lý địa chỉ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - APNIC). Dịch vụ IPv6 được cung cấp rộng rãi tới người sử dụng, 34 triệu thuê bao di động và 11 triệu thuê bao Internet (FTTH) tới hộ gia đình đã sử dụng ổn định địa chỉ IPv6. “Việt Nam đã chuyển đổi thành công Internet sang IPv6, là một trong những quốc gia đi đầu trong chuyển đổi IPv6, được ghi nhận, đánh giá cao tại khu vực và quốc tế”, đại diện VNNIC đánh giá.

Đối với khối cơ quan nhà nước, công tác chuyển đổi IPv6 ngày càng được đẩy mạnh theo mục tiêu Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình IPv6 For Gov giai đoạn 2021 - 2025. Tháng 3/2021, Việt Nam đã có 39 Bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6; 14 Bộ, ngành, địa phương chuyển đổi thành công IPv6 cho Cổng Thông tin điện tử - một trong những hệ thống thông tin quan trọng cần ưu tiên chuyển đổi sớm.

Theo thống kê từ VNNIC, tháng 3/2021, có 55,56% địa phương có kế hoạch chuyển đổi IPv6 và 17,5% cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, thành phố đã hoạt động trên nền IPv6. Về hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng, lên kế hoạch, thử nghiệm từ năm 2014, theo lộ trình Kế hoạch hành động quốc gia, Cục Bưu điện Trung ương đã triển khai thành công dịch vụ sử dụng IPv6 trên mạng truyền số liệu chuyên dùng, sẵn sàng cung cấp IPv6 trên mạng truyền số cho khối cơ quan nhà nước

Chuyển đổi IPv6 - tài nguyên phát triển hạ tầng số ở Việt Nam

Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu cho sự phát triển chung của kinh tế, xã hội. Chuyển đổi số cộng hưởng tạo đột phát cho mỗi cá nhân, mỗi cơ quan, doanh nghiệp. Gắn liền với chuyển đổi số là xu thế công nghệ, dịch vụ mới trên nền tảng Internet như: kết nối vạn vật (IoT), 5G, điện toán đám mây (cloud), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (bigdata)…

Để đảm bảo việc kết nối giao tiếp trên môi trường số, tài nguyên số đóng vai trò quan trọng. Việc triển khai chuyển đổi Internet thế hệ mới IPv6 bài bản, sớm tại Việt Nam hiện tại và cho giai đoạn tới sẽ phản ánh mức độ phát triển Internet quốc gia, khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế; thực hiện mục tiêu, sứ mạng mới trong việc ứng dụng công nghệ cao phát triển Internet an toàn, bền vững.

Đại diện Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) khẳng định: “VNNIC sẽ luôn đồng hành trong quá trình chuyển đổi IPv6; góp sức xây dựng Internet thế hệ mới, hiện đại, an toàn, phát triển bền vững; đảm bảo hạ tầng số để phát triển Chính phủ điện tử và chuyển đổi số quốc gia”.

Phương Dung