Bước tiến dài trong sử dụng công nghệ chống dịch ở TP.HCM

08/09/2021
Nhiều nền tảng CNTT được TP.HCM sử dụng trong tiêm chủng, chăm sóc F0 tại nhà, di chuyển, cứu trợ...

TP.HCM đang gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất cả nước trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành. Tuy nhiên, đây cũng là địa phương đi đầu trong việc áp dụng CNTT trong phòng chống dịch bệnh. 

Lắp đặt hệ thống đọc QR Code trên đường để quản lý di chuyển, sử dụng hệ thống tiêm chủng quốc gia để tiết kiệm thời gian chờ đợi và liên thông dữ liệu, xây dựng ứng dụng hỗ trợ người gặp khó khăn... đang là những điểm sáng về ứng dụng CNTT trên địa bàn thành phố gần đây.

Sử dụng chung nền tảng tiêm chủng quốc gia

Trong công tác phòng chống dịch, TP.HCM xác định tiêm chủng là biện pháp căn bản và quan trọng nhất trong việc giúp người dân tạo lá chắn chống lại virus. Tiêm chủng trên diện rộng cũng là cách để bắt đầu cuộc sống bình thường mới.

Bước tiến dài trong sử dụng công nghệ chống dịch ở TP.HCM

Hiện TP.HCM đang sử dụng nền tảng tiêm chủng quốc gia - Ảnh: Hải Đăng

Để quản lý công tác tiêm chủng, đồng thời liên thông dữ liệu toàn quốc, hiện thành phố đang sử dụng nền tảng hỗ trợ công tác tiêm chủng quốc gia.

Ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT) cho biết hiện nay hầu hết các phường xã tại TP.HCM đều áp dụng nền tảng này. Có 90% lượng người đi tiêm chủng ở thành phố đã được đưa lên cơ sở dữ liệu tiêm chủng quốc gia. Người dân có thể tra cứu thông tin trên ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử hoặc cổng thông tin tiêm chủng Covid-19.

Theo đó, thông qua cổng thông tin tiêm chủng, người dân có thể đăng ký tiêm online cùng với cách đến trực tiếp đăng ký tại phường, xã. Còn tại các điểm tiêm ứng dụng nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia, người dân cài ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử, sau đó đưa mã QR cho lực lượng hỗ trợ để kiểm tra, khám sàng lọc và tiêm chủng.

Việc áp dụng QR Code giúp giảm thời gian chờ đợi, đảm bảo không tiếp xúc. Ngoài ra, do liên thông với hệ thống tiêm chủng quốc gia nên tiến độ tiêm được báo cáo chính xác theo thời gian thực. Thậm chí chỉ trong vòng 30-60 phút, người dân đã có chứng nhận tiêm trên ứng dụng.

Bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM - cho biết Sở sẽ làm việc với Bộ TT&TT, Bộ Y tế để đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về kho dữ liệu dùng chung của TP.

Với cơ sở dữ liệu này, TP có hai phương án sử dụng. Một là, phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp để sử dụng dữ liệu tiêm chủng vào sản xuất an toàn. Hai là, tích hợp cơ sở dữ liệu tiêm chủng đã đưa về để tích hợp vào hệ thống khai báo y tế điện tử của TP. Sau khi liên thông, một người khi khai báo y tế tại các địa điểm tại TP.HCM sẽ cho được kết quả đã tiêm chủng được bao nhiêu mũi.

Tính đến ngày 6/9/2021, tại TP.HCM, tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm cho người dân trên 18 tuổi là 6.725.192 người, với tốc độ tiêm 200.000 - 250.000 người/ngày.

Cơ sở dữ liệu người tiêm chủng tại TP.HCM sẽ được tích hợp với hệ thống của phần mềm Y tế HCM, vừa để xây dựng hồ sơ đầy đủ về sức khoẻ người dân, vừa giúp quản lý F0 điều trị tại nhà.

Hệ thống khai báo y tế, quản lý F0 tại nhà

Song song với nền tảng tiêm chủng nói trên, TP.HCM triển khai hệ thống khai báo y tế điện tử (ứng dụng Y tế HCM), bên cạnh việc sử dụng các ứng dụng khác như Bluezone hay nCovi.

Hệ thống khai báo y tế điện tử TP.HCM được áp dụng thống nhất cho tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn TP để thay thế cho các hình thức khai báo thủ công bằng giấy. Thành phố dùng ứng dụng này để phát hiện, truy vết, quản lý các trường hợp mắc Covid-19.

Trên ứng dụng Y tế HCM, người dân có thể khai báo y tế điện tử, theo dõi sức khoẻ tại nhà, tra cứu kết quả xét nghiệm Covid-19, tra cứu cơ sở y tế nơi người thân là F0 đang điều trị, quét mã QR để khai báo các điểm đến,...

Hiện nay, đối với các trường hợp F0 điều trị tại nhà, Sở Y tế yêu cầu bệnh nhân khai báo y tế hàng ngày qua ứng dụng này (hoặc có thể ghi ra sổ tay) để nhân viên y tế dễ quản lý.

Trạm y tế hoặc Trạm y tế lưu động được yêu cầu đăng nhập phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19” để biết và tiếp nhận danh sách F0 mới thuộc địa bàn quản lý do các cơ sở y tế khác phát hiện.

Ứng dụng Y tế HCM sẽ được dùng để khai báo y tế, đồng thời sẽ tích hợp với dữ liệu tiêm chủng để có hồ sơ đầy đủ của người dân trong công tác phòng chống Covid-19 hiện nay và trong thời gian tới.

Bên cạnh ứng dụng công nghệ để xây dựng hồ sơ sức khoẻ đầy đủ cuả người dân như trên, TP cũng đang tích cực phối hợp cùng Bộ Công an thực hiện giám sát việc di chuyển nội địa, nhằm hỗ trợ nhanh truy vết F0 trên đường bằng việc quét mã QR tại các chốt kiểm soát.

Quét mã QR quản lý di chuyển

TP.HCM đang lắp đặt 100 camera, thiết bị quét QR Code trên khắp các quận huyện, thành phố Thủ Đức để kiểm soát việc di chuyển nội địa. Người dân qua chốt phải trình mã QR trên smartphone để quét qua thiết bị trước khi di chuyển.

Bước tiến dài trong sử dụng công nghệ chống dịch ở TP.HCM

Người dân tham gia giao thông sử dụng QR Code để di chuyển - Ảnh: Hải Đăng

Trong giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt tại TP.HCM, người dân khi tham gia giao thông trên đường bắt buộc phải có giấy đi đường do công an TP cấp. Người dân đồng thời cũng sẽ được yêu cầu quét mã QR để phục vụ quản lý di chuyển và kiểm soát y tế.

Trước khi có thiết bị quét chuyên dụng nói trên, lực lượng chốt bảo vệ các trạm kiểm soát sử dụng smartphone để thao tác, dù đã khá tiện lợi nhưng cũng gây nguy cơ tiếp xúc gần và tốn thời gian, nhân lực hơn. Theo quan sát, việc quét mã QR bằng thiết bị chuyên dụng chỉ mất vài giây, hầu như không gây ùn ứ tại điểm chốt. Người dân chỉ việc khai báo tại nhà, khi qua chốt sẽ rất tiết kiệm thời gian chờ đợi.

Hệ thống quản lý di chuyển này TP.HCM đang áp dụng dựa trên nền tảng quản lý di biến động dân cư do Bộ Công an triển khai.

Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP. HCM cho biết, lực lượng công an đang lập danh sách những người được cấp giấy phép lưu thông và cập nhật cơ sở dữ liệu trên phần mềm chung của Bộ Công an, để đối chiếu, so sánh với lượng người di chuyển và rà soát, kiểm soát các đối tượng F0 lưu thông trên đường.

Do đó, những người lưu thông trên đường nhưng không nằm trong cơ sở dữ liệu sẽ bị phát hiện.

Khi cơ sở dữ liệu đã đầy đủ, có lẽ việc kiểm soát giấy đi đường sẽ được lược bớt, người dân chỉ việc quét mã QR khi đi qua các chốt. Việc này vừa tiết kiệm thời gian cho người dân lẫn lực lượng kiểm soát, lại vừa có số liệu di chuyển của người dân theo thời gian thực, phục vụ rất tốt việc quản lý lưu thông trong giai đoạn giãn cách.

Các hoạt động siết chặt di chuyển như trên, cộng với việc nhiều cơ sở kinh doanh đóng cửa đã gây rất nhiều khó khăn cho người dân thành phố trong việc mưu sinh. Để giúp những người gặp khó khăn mùa dịch, một trong các hoạt động thành phố vừa thực hiện là xây dựng được app An sinh, nhằm minh bạch hoá hoạt động cứu trợ.

Minh bạch hoá hoạt động cứu trợ bằng phần mềm

TP.HCM siết chặt giãn cách khiến rất nhiều người dân lâm vào cảnh khó khăn do không thể đi làm, các cơ sở kinh doanh đóng cửa. TP đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đồng thời các mạnh thường quân bằng nhiều hình thức khác nhau cũng đang chung tay cùng chính quyền cứu trợ những người khó khăn đang kêu cứu.

Bước tiến dài trong sử dụng công nghệ chống dịch ở TP.HCM

Hoạt động cứu trợ người dân tại TP.HCM được minh bạch hoá bằng phần mềm - Ảnh: Hải Đăng

Khá nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã lập các nền tảng để cứu trợ người dân. Gần đây nhất, Mặt trận tổ quốc TP.HCM đã tạo ứng dụng An sinh, một kênh để người dân TP kêu gọi sự giúp đỡ và nhận được giúp đỡ một cách minh bạch.

Trên ứng dụng này, người dân gặp khó khăn có thể điền thông tin chi tiết của bản thân để được nhận cứu trợ. Cán bộ phường xã nhận thông tin này, xác nhận và duyệt để tên người dân được hiển thị trên app. Các mạnh thường quân dựa trên danh sách này có thể ủng hộ đến bất kỳ người dân nào. Số tiền ủng hộ vào thẳng tài khoản người được cứu trợ, hiển thị số liệu rõ ràng, minh bạch.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, tính đến ngày 6/9, đã có hơn 200 ngàn người đăng ký trên ứng dụng này. Đây cũng là nguồn cơ sở dữ liệu để TP cứu trợ cho người dân trong các đợt tiếp theo.

Bên cạnh những nền tảng công nghệ nói trên, TP.HCM cũng đã triển khai từ rất sớm Bản đồ Covid-19. Trên bản đồ này, người dân có thể theo dõi vị trí các ca nhiễm, khu vực phong toả, các cơ sở y tế, nhà thuốc, thống kê ca nhiễm,...

TP cũng đã nâng cấp mạnh mẽ Tổng đài 1022, thêm tổng đài viên và áp dụng rô-bốt trong việc giải đáp thắc mắc của người dân. Tổng đài này hiện đang là trung tâm của gần như mọi thông tin về Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, Trung tâm cấp cứu 115 của TP cũng được gia tăng số lượng tổng đài viên, nâng cấp cơ sở dữ liệu và hệ thống máy móc để đáp ứng được hàng ngàn cuộc gọi của người dân mỗi ngày, có giai đoạn cao điểm lên đến 6.000 cuộc gọi/ngày.

 Hải Đăng 

Nơi đi đầu đưa công nghệ hỗ trợ đẩy lùi dịch bệnh

Nơi đi đầu đưa công nghệ hỗ trợ đẩy lùi dịch bệnh

Thời gian qua, Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương tích cực nhất cả nước trong việc ứng dụng công nghệ nhằm đối phó với diễn biến mới của đại dịch Covid-19.