Ba ngày thần tốc kết nối đến 'pháo đài' xã phường theo yêu cầu Thủ tướng

06/09/2021
Sau khi Thủ tướng yêu cầu thiết lập cầu truyền hình để bảo đảm chỉ đạo thông suốt từ Trung ương tới từng cơ sở thì 2.594 điểm cầu xã, phường, thị trấn của 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã được kết nối trong 3 ngày.
3 ngày thần tốc kết nối đến 'pháo đài' xã phường theo yêu cầu Thủ tướng
Sau khi nhận chỉ đạo từ Thủ tướng, Bộ TT&TT yêu cầu VNPT và Viettel phải thực hiện nhiệm vụ thần tốc để đảm bảo kết nối đến 2.594 điểm cầu xã, phường, thị trấn của 19 tỉnh, thành phố phía Nam.

Sáng 29/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo với 1.060 xã, phường, thị trấn tại 20 tỉnh, thành phố.

Tại cuộc họp, Thủ tướng giao Bộ TT&TT chỉ đạo, đôn đốc Viettel và VNPT triển khai ngay việc kết nối hệ thống hội nghị trực tuyến tới toàn bộ các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. "Trong vòng 1-2 ngày sắp tới phải làm xong để bảo đảm chỉ đạo thông suốt từ Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia tới từng cơ sở. Lấy xã phường làm pháo đài thì phải chỉ đạo thông suốt tới tận pháo đài”, Thủ tướng nêu rõ.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, Bộ TT&TT đã yêu cầu VNPT và Viettel phải thực hiện nhiệm vụ này thần tốc để đảm bảo kết nối đến 2.594 điểm cầu xã, phường, thị trấn của 19 tỉnh, thành phố phía Nam. Ngay sau đó, Viettel, VNPT đã thực hiện chỉ trong 3 ngày gồm triển khai mạng lưới, thiết bị và hướng dẫn các tuyến xã, phường, thị trấn sử dụng. Quá trình kết nối đến các tuyến xã, phường, thị trấn trong một thời gian rất ngắn có nhiều khó khăn, nhưng Bộ TT&TT cùng các doanh nghiệp quyết tâm thực hiện hoàn thành đúng tiến độ Thủ tướng giao.

Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện kết nối đến tuyến xã, phường, thị trấn ở những tỉnh thành còn lại trên toàn quốc với hơn 11.000 điểm.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc VNPT cho hay, VNPT được giao triển khai gần 1.500 điểm cầu truyền hình kết nối đến tuyến xã, phường, thị trấn tại 12 tỉnh chỉ trong 3 ngày.  Để xử lý khối lượng công việc lớn với thời gian gấp như vậy, đơn vị phải huy động tổng lực nhằm hoàn thành đúng tiến độ. VNPT đã sử dụng thiết bị ở tất cả các tỉnh thành để thiết lập cầu truyền hình đến tận xã. Mỗi xã, phường, thị trấn, VNPT đều cử cán bộ kỹ thuật đến lắp đặt và hỗ trợ sử dụng thiết bị đến khi hết cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng.  

Ông Nguyễn Mạnh Hổ, Tổng giám đốc Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) cho biết, Viettel thực hiện kết nối cầu truyền hình đến khoảng 1.000 điểm tuyến xã, phường, thị trấn chỉ trong 3 ngày. Sau khi hoàn thiện, đơn vị đã bàn giao cho Cục Bưu điện Trung ương. Hệ thống cầu truyền hình của Viettel ứng dụng công nghệ hiện đại và vận hành trên hạ tầng riêng với công nghệ bảo mật 4 lớp, đảm bảo thông tin cuộc họp luôn được bảo mật tuyệt đối và thông suốt.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hổ, nhằm đáp ứng yêu cầu công việc, Viettel điều động khoảng 1.100 cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ; mỗi xã, phường, thị trấn đều có 1 cán bộ kỹ thuật của Viettel chịu trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị sử dụng thiết bị. Tuy nhiên, việc triển khai trong bối cảnh cách ly xã hội nên đi lại rất khó, thậm chí nếu nhân viên kỹ thuật làm quá 18h sẽ phải ngủ lại vì không được di chuyển sau giờ này. Chưa kể khó khăn khi phải mua thiết bị số lượng rất lớn trong thời gian ngắn. Thêm vào đó, những thiết bị này không phải mặt hàng thiết yếu nên khâu vận chuyển cũng gặp trở ngại. Do yêu cầu gấp rút nên nhiều địa phương chưa có chỉ đạo đồng bộ để ưu tiên cho cán bộ, nhân viên Viettel làm nhiệm vụ kết nối cầu truyền hình. Tuy nhiên, Viettel đã chủ động tìm nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc, ngày đêm thực thi nhiệm vụ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ TT&TT.  

"Theo chỉ đạo của Thủ tướng sẽ phải kết nối cầu truyền hình đến tất cả xã phường, thị trấn còn lại và Viettel đã sẵn sàng. Chúng tôi đang chờ yêu cầu cụ thể của Thủ tướng và Bộ TT&TT để thực hiện", ông Nguyễn Mạnh Hổ nói.

Đến chiều ngày 5/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo với các địa phương. Cuộc họp được kết nối tới toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, 9.043 xã, phường, thị trấn trên cả nước để đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp trọng tâm phòng chống dịch.

Một điểm khác biệt nữa so với trước đây là ngoài 63 tỉnh, thành phố, cuộc họp lần này được kết nối trực tuyến tới 705 quận, huyện, thị xã và toàn bộ 9.043 xã, phường, thị trấn. Những ngày qua, với sự hỗ trợ của Bộ TT&TT, các doanh nghiệp viễn thông, hệ thống chỉ huy, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn phòng chống dịch đã được kết nối từ nơi làm việc của Thủ tướng Chính phủ tới tận cấp xã, phường, thị trấn.

Cuộc họp bàn về công tác phòng chống dịch nói chung nhưng tập trung vào trọng tâm là cấp xã, phường, thị trấn vì vừa qua chúng ta chuyển hướng phòng chống dịch theo phương châm mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sĩ”. Điều này rất phù hợp với hệ thống chính trị Việt Nam vì người dân sống ở xã, phường, thị trấn - đây là nơi gần dân nhất, hiểu dân nhất, tiếp xúc nhiều nhất, trực tiếp nhất với dân. Thủ tướng nhắc lại quan điểm người dân là trung tâm, là chủ thể của công tác phòng chống dịch; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.

Thái Khang 

Hà Nội phân vùng để chống dịch, bưu chính đổi kịch bản cung ứng hàng thiết yếu

Hà Nội phân vùng để chống dịch, bưu chính đổi kịch bản cung ứng hàng thiết yếu

Cùng với việc bổ sung thêm lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân Hà Nội, 2 doanh nghiệp bưu chính lớn cũng chuyển sang phương án hoạt động mới, phù hợp với kế hoạch của UBND thành phố phân 3 vùng để chống dịch từ ngày 6/9.